Vẽ “hình hài” đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Quy hoạch Tổng thể quốc gia đang được xây dựng nhằm đạt được mục tiêu, khát vọng đó. Vì thế, giờ là lúc “hình hài” đất nước bắt đầu được xây dựng.
Tại Vùng Thủ đô, hệ thống hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng cho sự hình thành một số vùng công nghiệp lớn, công nghệ cao. Ảnh: Đức Thanh

Tại Vùng Thủ đô, hệ thống hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng cho sự hình thành một số vùng công nghiệp lớn, công nghệ cao. Ảnh: Đức Thanh

Bắt đầu vẽ “hình hài” đất nước

Đã trọn 77 năm, đất nước giành độc lập. Những thành tựu của 35 năm Đổi mới là to lớn, nhưng con đường phía trước cũng đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức mới, nhất là khi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rất rõ các mục tiêu đến năm 2030 và đặc biệt là đến năm 2045 - năm cả nước kỷ niệm 100 năm giành độc lập. Khi ấy, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Không phải là công cụ duy nhất, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nói rằng, xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 chính là cơ hội để Việt Nam bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển quốc gia, nhằm đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

Vậy không gian phát triển quốc gia sẽ được bố trí, sắp xếp như thế nào? Quy hoạch lại không gian phát triển quốc gia cũng chính là cách để giờ đây, “hình hài” đất nước được vẽ lại một cách hợp lý và hiệu quả hơn.

“Khi xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, các đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2040, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.

Không quá khó để nhận ra, trong câu chuyện phân bổ không gian phát triển quốc gia, việc hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế là mấu chốt rất quan trọng. Và giờ đây, những phác thảo ban đầu về các vùng động lực và các hành lang kinh tế này đã được định hình.

Theo đó, với các hành lang kinh tế Bắc - Nam, sẽ có hành lang kinh tế phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A đến Cà Mau (tham gia Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore). Đây chính là hành lang có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng là hành lang kinh tế liên vùng, kết nối hầu hết các cực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia.

“Hỗ trợ cho Hành lang Kinh tế Bắc - Nam phía Đông là dải ven biển gắn với đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau”, ông Trần Hồng Quang nói và cho biết, trước mắt, sẽ tập trung phát triển các đoạn hành lang từ các đô thị lớn như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Cần Thơ.

Trong khi đó, Hành lang Kinh tế Bắc - Nam phía Tây sẽ gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Tuy nhiên, đây là hành lang kinh tế được xác định cho tầm nhìn dài hạn, sau năm 2030.

Với các hành lang kinh tế Đông - Tây, sẽ có những hành lang ưu tiên tham gia các hành lang kinh tế quốc tế trong khu vực, trong đó bao gồm Hành lang Kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng. Các hành lang khác cũng sẽ được ưu tiên phát triển là Cầu Treo - Vũng Áng, Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn...

Trong khi đó, với các vùng động lực, ngoài tam giác động lực phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tứ giác động lực phía Nam TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, còn có khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.

Cùng với “bộ khung” cơ bản như vậy, các định hướng về tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực cũng đã được vạch ra. Chẳng hạn, ở Vùng Thủ đô, Vùng TP.HCM, khu vực TP. Đà Nẵng sẽ hình thành một số vùng công nghiệp lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, các khu vực như Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận… sẽ là “thủ phủ” của du lịch…

Chưa kể, còn là “hình hài” của các vùng đô thị, rồi cả định hướng khai thác vùng biển, vùng trời… Kết hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chưa bao giờ, Việt Nam có một bản quy hoạch đồ sộ, với tầm nhìn chiến lược như vậy.

Băn khoăn lựa chọn “đường đi”

Nhưng quy hoạch chỉ là “bộ khung”. Câu hỏi đặt ra là, làm sao Việt Nam có thể hiện thực hóa quy hoạch đó, thậm chí nhiệm vụ trước mắt chỉ là làm sao hoàn thiện quy hoạch một cách tốt nhất, khả thi nhất?

Rất nhiều tham vọng đã được đặt ra, không chỉ là tham vọng phân bổ, sắp xếp lại không gian quốc gia, mà còn là các mục tiêu rất cụ thể. Chẳng hạn, quy mô dân số đến năm 2030 là khoảng 105 triệu người, còn năm 2050 là 115 triệu người. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030; khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD/người.

“Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, đến năm 2050, có trên 9.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành đường sắt tốc độ cao”, ông Trần Hồng Quang chia sẻ.

Dù nhiều lần nói rằng, đây là “cơ hội để chúng ta chủ động kiến tạo, quyết định tương lai của đất nước”, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lo lắng rất nhiều. Không phải chỉ vì bản quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được làm theo phương thức tích hợp nên rất khó, mà còn vì thời gian cũng không còn nhiều để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã được đặt ra.

“Nghị quyết Đại hội Đảng đã đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng vào năm 2030 và 2045, nhưng hiện giờ, Việt Nam mới là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, thời gian không còn nhiều”, Bộ trưởng nói.

Chưa nhắc đến các mục tiêu cao hơn, chỉ nói tới mục tiêu phát triển 5.000 km đường bộ cao tốc cũng đã khiến Bộ trưởng trăn trở. “Một tỉnh như Quảng Tây (Trung Quốc) mà 3 năm làm được 2.000 km đường cao tốc, còn chúng ta, suốt mấy chục năm mới làm được hơn 1.000 km. Chúng ta đang hình thành hạ tầng đường bộ quá chậm”, Bộ trưởng nói.

Ngay cả câu chuyện làm đường sắt cao tốc cũng vậy. “Có nên làm đường sắt cao tốc không, hay chỉ cần là đường sắt tốc độ cao?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Chia sẻ trăn trở của Bộ trưởng, ông Jose Luis Irgoyen, Cố vấn trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên có GDP theo đầu người dưới 7.000 USD mà xây dựng đường sắt cao tốc. Vậy Việt Nam có nên không?

Cũng chính ông Jose Luis Irgoyen đã nói rằng, Việt Nam muốn phát triển TP.HCM là một trung tâm tài chính. “Nhưng không thể làm được điều đó nếu chưa phát triển thị trường tài chính trong nước”, ông Jose Luis Irgoyen phân tích.

Nhiều vấn đề được đặt ra như vậy ngay trong việc chọn cách nào, con đường nào cho Việt Nam, chứ chưa nói đến việc hiện thực hóa kế hoạch đó. “Vậy nên, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của các chuyên gia quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông chính là người luôn nhất quán quan điểm rằng, nếu tìm được con đường đi đúng, thì Việt Nam sẽ “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”. Và giờ, con đường đó đang được từng bước vạch ra.

Bài toán “hiện thực hóa”

Con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam đang được vạch ra. Bước tiếp theo sẽ là phải làm sao hiện thực hóa, để “hình hài” đất nước thực sự được như trong bản phác thảo của Quy hoạch Tổng thể quốc gia.

“Có 5 cách để Quy hoạch Tổng thể quốc gia có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2045”, ông Danny Leipziger, Trưởng nhóm Tư vấn của WB nói.

Thứ nhất, bằng cách định hướng phân bổ nguồn lực vào các vùng động lực để nâng cao hiệu quả, giảm chồng chéo, lãng phí và tạo ra nguồn tăng trưởng mới, đồng thời tạo tác động lan tỏa đáng kể và nâng cao khả năng kết nối tới các cực tăng trưởng.

Thứ hai, bằng cách tạo tín hiệu về ưu tiên không gian chung cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các bộ, ngành, địa phương để thu hút sự hỗ trợ của toàn xã hội.

Thứ ba, bằng cách nâng cao năng suất cần có để hoàn thành các mục tiêu dài hạn về thu nhập theo đầu người.

Thứ tư, bằng cách ước tính nhu cầu tài chính và chỉ ra cách thức đáp ứng từ các nguồn ngân sách, thị trường vốn và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiến lược.

Thứ năm, bằng cách tạo động lực phối hợp liên tỉnh, xác định những rủi ro trong tương lai và dự kiến các yếu tố dự phòng.

Rõ ràng, ngay cả khi Quy hoạch Tổng thể quốc gia được hoàn thành tốt nhất, thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ít ngày trước đây, khi tham dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc rất nhiều đến những việc cần phải làm, từ việc thu hút nguồn lực, ưu tiên nguồn lực phát triển các vùng động lực và hành lang kinh tế, đến việc làm thế nào để liên kết vùng một cách hiệu quả, rồi phát triển nguồn nhân lực…

“Cần phải có thể chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện cho Vùng phát triển”, Thủ tướng nói.

Chỉ một vùng kinh tế đã đòi hỏi rất nhiều việc như vậy, huống hồ cả một đất nước. Chính các chuyên gia kinh tế của WB khi góp ý về Quy hoạch Tổng thể quốc gia cũng đã nhấn mạnh việc Việt Nam có tới 6 vùng kinh tế. Bởi vậy, để Quy hoạch Tổng thể quốc gia có thể được hiện thực hóa, thì liên kết vùng là vô cùng quan trọng. Và để làm được điều này, cần hơn hết là thể chế, chính sách, chứ không thể cứ nói liên kết là xong!

“Khi xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, các đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao…”

- Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tin bài liên quan