Quý II/2018: Nông nghiệp khởi sắc, công nghiệp và dịch vụ chững lại
Đi sâu vào diễn biến các ngành kinh tế dưới góc nhìn tổng cung, sự khởi sắc trở lại của ngành nông nghiệp - bệ đỡ của nền kinh tế - là một trong những điểm nhấn chính. Theo đó, doanh thu xuất khẩu các mặt hàng chủ đạo gồm thủy sản, rau quả và gạo liên tục tăng trưởng, lần lượt đạt 3,2 tỷ USD;1,7 tỷ USD và 1,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2018. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng vọt trên 40% nhờ giá gạo xuất khẩu tăng, cũng như việc thắng thầu xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực như Indonesia, Philippines...
Tuy nhiên, hai ngành mũi nhọn khác là công nghiệp và dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý II/2018. Cụ thể, với ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, tuy những tác động tiêu cực từ hoạt động khai khoáng đã giảm đi đáng kể so với năm trước, nhưng sự chững lại của hoạt động sản xuất thiết bị điện, điện tử là nguyên nhân chính khiến chỉ số hoạt động sản xuất công nghiệp chung toàn ngành giảm tốc trong những tháng đầu năm nay.
Những năm gần đây, động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp ngày càng phụ thuộc vào hoạt động của những doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG hay Formosa. Theo sát diễn biến sản xuất và phân phối sản phẩm của Samsung và việc Formosa đã đưa vào vận hành chạy thử lò thứ 2 vào tháng 5 vừa qua, VDSC kỳ vọng, ngành sản xuất sẽ sôi động trở lại bắt đầu từ quý III.
Với ngành dịch vụ, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ghi nhận sự sụt giảm, chỉ đạt 9,4% trong tháng 5/2018 khi doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành suy giảm do số lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm nhẹ trong 4 tháng qua. Lượng khách du lịch quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tháng 6 này, đặc biệt du khách đến từ Trung Quốc.
Nhiều thử thách trong 2 năm tới
Tuy một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp, dịch vụ... có dấu hiệu chững lại, nhưng theo VDSC, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 vẫn sẽ đạt mức cao, khoảng 6,8%. Dẫu vậy, VDSC cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong 2 năm tới sẽ gặp không ít thử thách, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, mà tác động rõ nét và nhanh nhất là những ảnh hưởng lên tỷ giá tiền đồng.
Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới dường như đã “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến thị trường ngoại hối toàn cầu rung lắc khá mạnh và đẩy tiền nội tệ của hàng loạt quốc gia mới nổi như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Ấn Độ giảm giá mạnh. Điều đáng chú ý là việc tiền đồng tỏ ra khá “miễn nhiễm” và chỉ dao động trong biên độ khá hẹp nhờ sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
"Tiền đồng đang bị định giá cao và có khả năng sẽ mất giá khoảng 4-6% trong giai đoạn 2018-2019", VDSC đánh giá.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng hiện hữu, bức tranh thương mại và đầu tư toàn cầu được dự báo sẽ xấu đi trong 2 năm tới và Việt Nam khó có thể nằm ngoài xu hướng chung. Theo thống kê của UNCTAD, tổng lượng vốn đầu tư FDI vào các nước đang phát triển gần như không có sự cải thiện nào trong năm 2017 theo sau con số sụt giảm 10% của năm 2016. Tuy khu vực châu Á vẫn được đánh giá cao, nhưng dòng vốn FDI có thể sẽ “đứng ngoài” đối với các nền kinh tế yếu và dễ bị tổn thương bởi biến động bên ngoài.
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2018, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 7,2 tỷ USD, giảm 30,8%. Có thể nói, chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi và các tập đoàn nước ngoài suy nghĩ lại về kế hoạch đầu tư mới, mở rộng sản xuất ở Việt Nam.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 11/2017, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, 42 công ty Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư tổng cộng 17,3 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 4 năm tới.
Dưới góc nhìn của VDSC, hoạt động đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời điểm hiện tại nhằm 2 mục tiêu chính: Thứ nhất là tìm kiếm hiệu quả (Efficiency - Seeking Investment), tức là tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp; thứ hai là khai thác thị trường nội địa (Market - Seeking Investment). Do đó, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm thu hút dòng vốn FDI và giữ được động lực tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh bức tranh thương mại toàn cầu đang thay đổi.
Nếu như thị trường Mỹ luôn được nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam hướng tới trong những năm qua, thì hiện nay, thị trường tỷ dân của Trung Quốc sẽ trở thành tâm điểm. Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc đang dần vượt mặt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 50,6 tỷ USD, cao hơn mức 46,5 tỷ USD của thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) được kỳ vọng sẽ trở thành “mảnh đất hứa” với Việt Nam. Mới đây, EU đã đưa ra cách tiếp cận mới trong việc phê chuẩn các hiệp định tự do thương mại (FTA). Theo đó, Ủy ban Châu Âu nhiều khả năng sẽ tách các FTA thành 2 nội dung riêng biệt: một hiệp định riêng trong lĩnh vực thương mại và một trong lĩnh vực đầu tư.
Đối với các FTA trong thương mại, EU sẽ chỉ cần Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua trước khi có hiệu lực chính thức. Trong khi đó, các hiệp định trong lĩnh vực đầu tư vẫn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội tất cả các quốc gia thành viên.
Theo đó, VDSC đánh giá, cách tiếp cận trên sẽ có tác động tích cực tới việc thúc đẩy thỏa thuận EVFTA được thực thi. Dẫu vậy, trước mắt, thương mại của Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt sẽ tốn thời gian hơn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhằm tránh các hàng rào thuế quan từ Mỹ và một số quốc gia khác.
Trong thời gian qua, những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới đang khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư e ngại về chu kỳ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nếu tính tới hết năm 2018, kinh tế Việt Nam gần như đã liên tục hồi phục trong suốt 7 năm qua, kể từ năm 2012. Đặc điểm cốt lõi của sự hồi phục là việc hướng tới khai thác thị trường tiêu dùng nội địa, cùng với sự đổ bộ của dòng vốn FDI.
VDSC cho rằng, việc tập trung vào thị trường trong nước sẽ giúp Việt Nam kéo dài chu kỳ tăng trưởng kinh tế. Do đó, dư địa phát triển của Việt Nam trong năm 2019-2020 vẫn còn. Với kịch bản tích cực sẽ gắn với khả năng tăng trưởng GDP dao động ổn định quanh mức 6,6%. Trong trường hợp xấu nhất khi các rủi ro toàn cầu leo thang, kinh tế Việt Nam có thể sẽ suy yếu cùng xu hướng chung của thế giới.