VDPF 2013: Chú trọng xây dựng thể chế

VDPF 2013: Chú trọng xây dựng thể chế

(ĐTCK) Ngày hôm qua, Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) với chủ đề “Thiết lập quan hệ đối tác mới: hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” đã diễn ra. Diễn đàn năm nay chứng kiến Việt Nam - một “quốc gia nhận tài trợ” trong 20 năm qua, trở thành “quốc gia đối tác phát triển”.

Tăng cường cải cách cơ cấu

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nền kinh tế thế giới đã ổn định hơn thời điểm nhóm họp lần trước, nhưng quá trình hồi phục vẫn còn chậm. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với nền kinh tế Việt Nam.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính - ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế.

“Đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng về lâu dài. Tạo sự minh bạch và tăng cường quản trị DN trong cả hai khu vực nói trên sẽ nhanh chóng mang lại kết quả thông qua thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và thực hiện cổ phần hóa”, bà Victoria Kwakwa nói.

Theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cải cách cơ cấu cần phải được tăng tốc mạnh.

Việc trì hoãn cải cách có thể làm xói mòn niềm tin, kéo dài thời gian đình trệ năng suất, kìm giữ tăng trưởng ở mức không đủ tạo việc làm cho một lực lượng lao động đang tăng nhanh chóng.

Cụ thể, việc công khai tình hình tài chính thực của các tập đoàn kinh tế và DNNN, bao gồm báo cáo thu nhập và bảng cân đối được kiểm toán cũng như các khoản vay từ hệ thống ngân hàng là một điểm khởi đầu quan trọng cho cải cách.

Sau đó, thực hiện các bước để cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị.

“Kế hoạch tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế và DNNN nên được xem xét kỹ lưỡng và công khai về tính khả thi của mặt tài chính, tính hiệu quả và nên được thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn”, ông Sanjay Kalra nhấn mạnh.

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia thì cho rằng, khi soạn thảo và đưa ra những chính sách mới, Chính phủ cần tập trung làm rõ: thứ nhất, nó có tạo ra những lợi thế cho DNNN hay không?; thứ hai, đảm bảo khu vực tư nhân trong nước được tăng cường sức mạnh hơn nữa để cạnh tranh trên toàn cầu; thứ ba, các thể chế hiện tại có đủ sức thực thi hiệu quả các chính sách đó?

Bên cạnh đó, việc coi trọng nguyên tắc kỷ luật tài chính và ổn định nợ là quan trọng, nhưng Chính phủ vẫn phải tiếp tục tăng đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện.

“Khi nền kinh tế của Việt Nam phát triển hơn, nguồn vốn ODA sẽ giảm và các điều khoản vay trở nên kém ưu đãi hơn. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục đánh giá, kiểm tra chặt chẽ để thực hiện một cách tốt nhất vốn tài trợ ODA.

Đồng thời, cần có một cái nhìn chiến lược lâu dài đối với việc đa dạng hóa nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung phát triển thị trường vốn và khích lệ khu vực tư nhân tham gia đầu tư”, ông Tomoyuki Kimura nói.

 

Xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đang được nỗ lực khắc phục.

Do đó, tái cơ cấu nền kinh tế, có cơ chế khuyến khích sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế là 1 trong 6 điểm quan trọng sẽ được Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2014 - 2015”.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết, trong đầu tư công, sẽ phải lập kế hoạch đầu tư trung hạn, phân cấp hiệu quả việc phân bổ nguồn lực giữa Trung ương và địa phương cho phát triển kinh tế vùng, địa phương. Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, vốn đối ứng ODA, vốn tham gia các dự án PPP.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi để DN ngoài nhà nước tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên.  

Về tái cơ cấu ngân hàng, thị trường tài chính, Thủ tướng khẳng định, sẽ tái cơ cấu toàn diện các TCTD, nhất là các NHTM cổ phần yếu kém; tiếp tục cổ phần hóa các NHTM quốc doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống.

Xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) với việc đặt mục tiêu công ty này phải xử lý được 100.000 - 150.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014.

Về tái cơ cấu DNNN, năm 2014 thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 DNNN, trong đó cổ phần hóa 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91, hầu hết tổng công ty 90 (trong tổng số 87 tổng công ty) và bán tiếp cổ phần tại 4/5 NHTM nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa vào năm 2020.

“Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) và sửa đổi một số Luật quan trọng; đồng thời Việt Nam đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác và nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…, dự kiến kết thúc trong 2014 - 2015.

Đó là những cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ đột phá về xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường phát triển quốc gia hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn với sự tham gia tích cực, chủ động của DN và mọi người dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.   

>>“Hoàn thiện về thể chế, minh bạch về thông tin”