VDB nói gì về tài chính của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
VDB cho rằng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC có khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư 5 dự án cao tốc theo phương án tài chính được phê duyệt.
Gói thầu J3 Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Gói thầu J3 Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT tham gia đánh giá về việc sử dụng vốn dư của Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB lần 2 (3391-VIE) để phục vụ thi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do VEC làm chủ đầu tư.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, vào cuối tháng 12/2021, Bộ GTVT có Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, phục vụ cho việc thẩm định sử dụng vốn Hiệp định vay ADB lần 02 (3391-VIE) cho Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền theo Hợp đồng ủy quyền cho vay có ý kiến thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ của Dự án.

Theo đó, đối với hồ sơ thẩm định do VEC cung cấp, VDB đánh giá việc cung cấp hồ sơ của VEC cơ bản đáp ứng được các nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Theo báo cáo của VDB, qua tra cứu thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), đến thời điểm 15/2/2022, VEC chỉ có dư nợ tại Sở Giao dịch I – VDB với dư nợ cho vay dài hạn tại kỳ báo cáo 28/1/2022 là 1,39 triệu USD và 25,8 tỷ Yên. VEC không có dư nợ đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), không có thông tin cam kết ngoại bảng tại các tổ chức tín dụng, không có nợ xấu trong vòng 5 năm gần nhất (không gồm nợ được phân loại nợ theo Nghị định số 97/2018/NĐ-CP), không có nợ cần chú ý trong 12 tháng gần nhất.

Trước đây, VEC đã từng phát sinh nợ quá hạn từ tháng 10/2019 đến tháng 7/2021 do việc ký nhận nợ và trả nợ với các khoản ODA thuộc đối tượng chuyển từ vay lại sang cấp phát theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, VEC đã ký nhận nợ đối với các khoản giải ngân từ 2008 đến hết ngày 7/11/2013 và thực hiện trả nợ đầy đủ, không phát sinh nợ quá hạn.

Như vậy, hiện tại VEC không có nợ quá hạn tại VDB nên các khoản vay ODA, vay ưu đãi của VEC được phân loại nợ Nhóm 1 theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP.

Về tình hình tài chính của VEC, theo báo cáo của VDB, qua báo cáo tài chính các năm 2018, 2019, 2020 đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM, cơ cấu tài của VEC tương đối hợp lý, phù hợp với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, quy mô tổng tài sản và nguồn vốn được duy trì ổn định trong giai đoạn đánh giá, trong đó tài sản dài hạn và nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản, nguồn vốn.

Trước đây, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, gây nguy cơ mất an toàn vốn. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ về tăng vốn điều lệ của VEC trên cơ sở phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư khi được triển khai sẽ góp phần cải thiện tình hình này.

Mặc dù vậy, VDB cho rằng hiệu quả hoạt động của VEC chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố về cơ chế chính sách của Nhà nước (cơ chế tài chính đối với các khoản vay lại) và tình hình kinh tế xã hội do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên có biến động lớn trong giai đoạn 2017 – 2020, khả năng sinh lời của tài sản và nguồn vốn tạo ra còn chưa tương xứng với quy mô tài sản.

Liên quan đến phương án tài chính và phương án trả nợ của Dự án, khả năng trả nợ vay lại của VEC, VDB cho biết, nếu tính toán dòng tiền với riêng Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dự án sẽ mất cân đối nguồn trả nợ (-2.316,93 tỷ đồng) trong 7 năm (các năm từ 2022 – 2028).

Đối với phương án hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc, dòng tiền sau thuế hòa chung của 5 dự án do VEC đầu tư tính đến năm 2037 chỉ mất cân đối tại 2 năm 2022, 2023 với tổng số tiền thiếu hụt là 729 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả dòng tiền lũy kế đến năm 2021 (với các số liệu đã được Bộ GTVT phê duyệt) thì dòng tiền sau thuế lũy kế dương tính đến năm 2037 và thể hiện VEC có khả năng trả nợ các khoản vay lại theo phương án tài chính được phê duyệt.

Về đánh giá các điều kiện vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, VDB cho biết, hồ sơ thẩm định do VEC cung cấp còn một số tồn tại về đáp ứng các điều kiện vay lại theo quy định (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, bị lỗ trong 3 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán).

Trường hợp, VEC được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư theo phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt và được ghi tăng vốn điều lệ, VDB khẳng định VEC có thể đáp ứng các điều kiện cho vay lại theo quy định.

Tin bài liên quan