VCSC khẳng định vị thế IB hàng đầu

VCSC khẳng định vị thế IB hàng đầu

(ĐTCK) Đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã hiện diện cùng các tổ chức tư vấn quốc tế uy tín trong danh sách liên danh tư vấn bảo lãnh phát hành cho một công ty công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ sắp tới. 

Với thương vụ này, VCSC trở thành công ty chứng khoán Việt Nam đầu tiên tham gia tư vấn bảo lãnh phát hành cho một doanh nghiệp nước ngoài IPO ở thị trường chứng khoán nước ngoài.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Vĩnh Tuấn, Giám đốc điều hành Phòng Ngân hàng đầu tư (IB) của VCSC về thương vụ này và chiến lược của VCSC trong lĩnh vực IB. 

Ông có thể giới thiệu đôi nét về thương vụ quốc tế mà VCSC tham gia tư vấn sắp tới?

Sea, tập đoàn kinh doanh game trực tuyến và thương mại điện tử của Singapore, sắp tới sẽ tiến hành IPO và niêm yết loại cổ phiếu ADS (American Depositary Shares) trên thị trường chứng khoán New York (NYSE) của Mỹ. Để thực hiện đợt phát hành và niêm yết cổ phiếu lần này, Sea đã thuê liên danh gồm hơn 10 tổ chức tư vấn, trong đó có VCSC.

Theo đó, ban đầu Sea đăng ký phát hành 49,67 triệu ADS, tương ứng 49,67 triệu cổ phiếu với mã SE, tương đương 15,6% lượng cổ phiếu đang lưu hành trước giao dịch. Các nhà bảo lãnh được phép mua thêm tối đa 15% lượng cổ phiếu phát hành này. Cổ phiếu này đã được niêm yết vào ngày 20/10 vừa qua. Trước đó, buổi giới thiệu cơ hội đầu tư diễn ra từ ngày 9/10 tại Singapore, Hồng Kông, Anh và Mỹ.

VCSC khẳng định vị thế IB hàng đầu ảnh 1

 Ông Ngô Vĩnh Tuấn

Dự kiến ban đầu, đợt IPO này sẽ thu về gần 800 triệu USD (bao gồm 15% có thể mua thêm), nguồn vốn sẽ được Sea sử dụng chủ yếu để mở rộng các nền tảng thương mại điện tử. Khoảng giá dự kiến ban đầu cho đợt IPO này là 12 - 14 USD/cổ phiếu, tương đương định giá 3,2 - 3,75 tỷ USD trước khi có khoản đầu tư mới. Đây là thương vụ lớn nhất khu vực trong thời gian qua.

Do mối quan tâm lớn từ nhà đầu tư, thể hiện ở lượng đăng ký đặt mua cao hơn gấp nhiều lần lượng chào bán, số lượng phát hành đã được Công ty đăng ký tăng thêm 18,7%, tức là sẽ phát hành 58,96 triệu ADS với cùng số tối đa 15% có thể phát hành thêm cho các nhà bảo lãnh. Giá chào bán cuối cùng cũng được quyết định ở mức 15 USD so với khoảng giá 12 - 14 USD dự kiến trước đó đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Mỹ.

Đã có nhiều tổ chức tư vấn quốc tế tên tuổi tham gia. Vì sao VCSC lại có cơ hội và phải đáp ứng những tiêu chí nào để tham gia đợt tư vấn bảo lãnh phát hành này, thưa ông?

Sea đã thuê liên doanh hơn 10 nhà tư vấn, dẫn đầu bởi Goldman Sachs, Morgan Stanley và Credit Suisse. Họ rất muốn thuê tư vấn từ các quốc gia họ đang hoạt động, nên nhóm tư vấn ngoài 3 ngân hàng đầu tư lớn như vừa nói trên thì có thêm tư vấn từ Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines và
Việt Nam.  

Tiêu chí phải là nhà tư vấn hàng đầu tại nước sở tại đó, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng đầu tư, có mối quan hệ sâu rộng với các nhà đầu tư và phải có kinh nghiệm làm việc nhóm với các tổ chức tư vấn nước ngoài. Đương nhiên, phải hiểu biết sâu về luật pháp và tình hình thị trường tại nước sở tại để có thể giải đáp được thắc mắc của các nhà đầu tư.

Những yêu cầu này, VCSC đều đáp ứng được. Từ trước đến nay, điểm mạnh của VCSC là nhà đầu tư tổ chức nên chúng tôi có mối quan hệ với các nhà đầu tư. VCSC cũng đã làm việc chung với BNP Paribas, Deutsche Bank… trong các thương vụ như IPO Vietjet, Central Group mua Big C…

Bản thân nhân viên Công ty cũng đã từng làm cho tư vấn nước ngoài. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VCSC được biết đến là công ty chứng khoán hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, có đội ngũ nhân viên người nước ngoài, Việt kiều với nhiều năm kinh nghiệm ở các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới.

Là công ty chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam tham gia tư vấn bảo lãnh phát hành quốc tế cho một doanh nghiệp Singapore để IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, ông có thể chia sẻ những trải nghiệm, khó khăn khi thực hiện thương vụ? Ngoài ra, ông có thể tiết lộ danh tính các nhà đầu tư tham gia đợt IPO này mà VCSC mang đến cho Sea?

Đây là thương vụ có giá trị rất lớn và lớn nhất Đông Nam Á trong năm nay. Niêm yết trên NYSE có các điều kiện khá ngặt nghèo, đặc biệt là với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, thời gian rất gấp gáp, thực hiện quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư chỉ vỏn vẹn trong tháng 10 và phải phối hợp với các nhà tư vấn tại nhiều quốc gia khác nhau nên đòi hỏi phải xử lý nhanh, làm việc nhóm tốt. Những khó khăn đó, chúng tôi cùng các nhà tư vấn khác đều phải nỗ lực để đáp ứng.

Ngược lại, trong quá trình tư vấn, chúng tôi thấy rất vui khi được kể câu chuyện Việt Nam cho các nhà đầu tư và nhận lại phản hồi, nhiều sự quan tâm và đặt câu hỏi của các nhà đầu tư về Việt Nam, vì đây là một trong hai thị trường tăng trưởng mạnh của Sea.

Trong đợt IPO này, không có nhà đầu tư Việt Nam tham gia vì có nhiều quy định khắt khe trong việc đầu tư ra nước ngoài. Còn danh tính nhà đầu tư, chúng tôi chưa thể tiết lộ, nhưng có nhà đầu tư đã từng hoạt động tại Việt Nam và cũng là khách hàng của VCSC.

Trong tương lai gần, VCSC có tư vấn thêm thương vụ quốc tế nào không?

Trong 5 năm tới, khả năng sẽ hiếm có doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại nước ngoài, hiện có 2 - 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng luật pháp chưa cho phép.

Tuy nhiên, có 3 xu hướng chính có thể mang lại cơ hội trong tương lai cho VCSC, gồm công ty nước ngoài niêm yết tại nước ngoài (như Sea), công ty Việt Nam mua lại công ty nước ngoài và công ty nước ngoài niêm yết tại Việt Nam. Các lĩnh vực có tiềm năng tiếp tục là thực phẩm và đồ uống (F&B), bất động sản, ngân hàng, công ty trong lĩnh vực truyền thông.

Tổng kết hoạt động IB của VCSC trong năm nay như thế nào, thưa ông?

Mảng IB vẫn hoạt động tốt, Công ty giữ được vị thế số 1 trong mảng này. Trong năm, chúng tôi đã thực hiện 2 thương vụ tiêu biểu là VPbank và Sea, dự kiến sẽ chốt 2 - 3 thương vụ nữa vào cuối năm.

Ngoài ra, chúng tôi đang chuẩn bị một số thương vụ phát hành riêng lẻ, vốn tư nhân và nhà đầu tư chiến lược (bao gồm PVOil và Techcombank dự kiến lên sàn trong quý II/2018). Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cân bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, vì các nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm lớn đến các doanh nghiệp cổ phần hóa.  

VCSC vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu đạt 1.006 tỷ đồng, tăng 69,36% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 91,87% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 580 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 2.654 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với đầu năm, trong đó lợi nhuận trước thuế do đánh giá lại tài sản tài chính là 104 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, VCSC liên tục nhận nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức uy tín như Finance Asia, Alpha Southeast Asia, Asia Money Polls… dành cho các hạng mục thuộc mảng ngân hàng đầu tư và môi giới chứng khoán. Trong đó, đáng chú ý là giải thưởng “Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam”, “Công ty tư vấn huy động vốn tốt nhất Việt Nam”, “Nhà môi giới tốt nhất Việt Nam” do Finance Asia trao tặng tại Hồng Kông; giải thưởng "Công ty huy động vốn tốt nhất Việt Nam" và “Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam” do Tạp chí Alpha Southeast Asia trao tặng tại Singapore; “Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam” do Asiamoney trao tặng.

Theo Alpha Southeast Asia, Hội đồng bình chọn đã trao giải cho VCSC dựa trên nhiều tiêu chí. VCSC là một trong số ít những công ty môi giới chứng khoán có đội ngũ nhân sự đến từ nhiều quốc gia, đã thành công trong việc thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức ở trong nước lẫn quốc tế nhiều năm qua. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, VCSC được trao tặng giải thưởng từ Alpha Southeast Asia.

Được thành lập năm 2009, Sea Ltd. (trước đây có tên là Garena Interative Holding Ltd.) là một trong những công ty công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Ngoài game online, nền tảng thương mại điện tử Shopee, Sea còn cung cấp nền tảng các dịch vụ tài chính AirPay. Năm 2016, Sea đạt doanh thu 347 triệu USD, lợi nhuận gộp 113 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lần lượt là 46,6% và 76,8% tính từ năm 2014.

Trong nửa đầu năm 2017, các mảng hoạt động của Sea được đánh giá là có thị phần hàng đầu ở thị trường ASEAN và Đài Loan, với doanh thu mảng game trực tuyến là 179 triệu USD (năm 2106 là 328 triệu USD); giá trị hàng hóa giao dịch qua Shopee là 1,5 tỷ USD (năm 2016 là 1,2 tỷ USD) và giá trị giao dịch qua AirPay là 472,4 triệu USD (năm 2016 là 501,2 triệu USD).

Thị trường Việt Nam chiếm 20% tổng doanh thu Sea. Để tăng sự hiện diện tại thị trường này, Sea đã tích cực thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A). Cụ thể, Sea vừa thâu tóm một công ty vận chuyển hàng hóa để hỗ trợ nền tảng Shopee. Trước đó, tháng 7/2017, Sea hoàn tất mua lại cổ phần ở tỷ lệ kiểm soát tại Foody.

Trước đó nữa, Sea sở hữu 42% vốn tại Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay), nhưng đã chuyển nhượng lại cho cổ đông khác. Trước khi diễn ra IPO này, Sea đã có các nhà đầu tư lớn như Tencent (40%), Hillhouse Capital, Temasek’s SeaTown Holdings International, GDP Venture, General Atlantic, Mistletoe…

Tin bài liên quan