VCR ngụp lặn với dự án tỷ đô

VCR ngụp lặn với dự án tỷ đô

(ĐTCK) Với tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD, quy mô trên 172 ha và rất được kỳ vọng, thế nhưng Cát Bà Amatina đang khiến CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) lún sâu trong nợ nần.

Dự án Cát Bà Amatina có vị trí trải dài từ thị trấn Cát Bà tới xã Trân Châu, thuộc huyện Cát Hải, Hải Phòng. Có quy mô đầu tư trên 172 ha, đây được xem dự án là trọng điểm, chiến lược của VCR. Dự án gồm 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, 2 bến du thuyền, 1 bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế, khu thương mại dịch vụ quốc tế, khu thể dục thể thao, các khu dịch vụ giải trí đa chức năng, 6 khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 4 sao…

Dự án bắt đầu triển khai, cũng như tung một số sản phẩm ra thị trường từ khoảng năm 2009, 2010, khi đó chủ đầu tư từng công bố 95% biệt thự khu Tùng Thu và Bazzar Avenue đã có chủ. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn và nhiều yếu tố chủ quan khác đã khiến cho dự án này rơi vào cảnh điêu đứng và tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của VCR từ năm 2012 đến nay.

Trong khi đó, do phải gánh chịu chi phí lãi vay quá lớn cộng với tiền bảo lãnh để đầu tư vào Dự án Cát Bà Amatina đã ăn mòn vào lợi nhuận khiến cho liên tiếp 11 tháng kể quý I/2012 đến quý III/2014, VCR liên tục báo lỗ nặng. Ghi nhận 2 năm liên tiếp 2012 - 2013, VCR báo lỗ tương ứng hơn 40,8 tỷ và 35,1 tỷ đồng, trong khi những năm trước đó vẫn còn ghi nhận lãi lớn.

Phải đến quý IV/2014, khi chi phí lãi vay giảm bớt, VCR mới có lợi nhuận trở lại trong các năm tiếp theo 2014, 2015, 2016 với lợi nhuận lần lượt ghi nhận ở mức 2,1 tỷ đồng, 2,7 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc có lợi nhuận trở lại lại không nhờ hoạt động kinh doanh thuần khi doanh thu thuần giảm "dần đều" gia đoạn 2014 - 2016. Một phần lợi nhuận của VCR tăng lên là nhờ khoản thu nhập khác liên quan đến việc thanh lý Khách sạn Holiday View.

Chỉ tính riêng năm 2016, theo báo cáo tài chính kiểm toán, khoản thu từ nhượng bán Khách sạn Holiday View đã mang lại cho VCR hơn 13,4 tỷ đồng thu nhập khác, bù đắp cho việc doanh thu sụt giảm. Trong kỳ, nguồn thu duy nhất VCR có được từ lãi tiền gửi và cho vay hơn 19 triệu đồng. Và con số này không thể bù đắp được các chi phí phát sinh như quản lý hay bán hàng, thậm chí VCR còn có khoản lỗ khác gần 523 triệu đồng.

Kết quả là VCR lỗ 2,8 tỷ đồng trong quý IV/2016, trong khi cùng kỳ năm 2015 vẫn có lãi 3,5 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2016, doanh thu VCR chỉ đạt hơn 3,6 tỷ đồng, bằng 14% so với năm trước đó và chịu lỗ thuần đến 5,7 tỷ đồng. May mắn cho VCR là khoản thanh lý tài sản đã mang về 13 tỷ đồng, qua đó giúp VCR chính thức có lãi ròng 7,5 tỷ đồng.

Dẫu vậy, mức thu về này không đủ bù đắp cho mức lỗ ròng nhiều năm trước đó. Ngày 23/3/2016, VCR cho biết, do kho khăn về dòng tiền, VCR tiếp tục dời thanh toán cổ tức năm 2010 lần thứ 6. Thời gian thanh toán dự kiến là 30/3/2018 thay vì 31/3/2017 như đã thông báo trước đó.

Theo ghi nhận trong báo cáo tài chính, ngày 3/1/2017, VCR đã ký hợp đồng chuyển nhượng 8.192 m2 đất cùng toàn bộ các tài sản gắn liền với diện tích đất cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Gia Quảng Ninh với giá trị 40,097 tỷ đồng. Hợp đồng sẽ hoàn tất trong 6 tháng đầu năm 2017.

Dự kiến, nếu hợp đồng được thực hiện, VCR sẽ có thêm khoản thu nhập khác trong báo các quý sắp tới. Tuy nhiên, VCR không lưu ý thêm về khả năng tiếp tục khai thác doanh thu từ dự án Cát Bà Amatina.

Tính đến hết năm 2016, tổng nợ phải trả của VCR là hơn 543,56 tỷ đồng với nợ ngắn hạn là 382,98 tỷ đồng và 160,6 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong các khoản nợ ngắn hạn, VCR ghi nhận khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước lên tơi 135 tỷ đồng, đồng thời có 112,1 tỷ đồng nợ phải trả khác, bao gồm các khoản khách hàng góp vốn để mua đất tại dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà là 57,94 tỷ đồng.

Đồng thời, VCR cũng nợ các khoản cổ tức đối với Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam là 28,92 tỷ đồng và nợ cổ tức cổ đông khác là 23,94 tỷ đồng.

Còn về các khoản nợ dài hạn, chủ yếu trong đây là khoản vay dài hạn VCR ký kết với Ngân hàng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) với hạn mức tín dụng. Một phần trong đó (chính là khoản mục chi phí phải trả dài hạn) đã được ngân hàng ký Kế hoạch trả nợ (cơ cấu trả nợ gốc và lãi) với thời gian trả nợ lãi bắt đầu từ ngày 20/05/2017 đến ngày 20/11/2022.

Với việc cơ cấu lại tài sản và thị trường bất động sản đang trong chu kỳ tăng trưởng, liệu VCR có thể tái khởi động các dự án nghỉ dưỡng hoành tráng một thời hoặc cùng lắm là chuyển nhượng để hồi phục hoạt động, thanh toán các khoản nợ nần? Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục tìm hiểu để phản ánh đến bạn đọc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan