Nền tảng tài chính vững mạnh
Vinaconex thuộc nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, với 4.417 tỷ đồng vốn điều lệ.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Vinaconex tiếp tục ghi điểm với lợi nhuận sau thuế là 1.451 tỷ đồng, tăng tới 160% so với cùng kỳ, vượt tới 77% kế hoạch của cả năm 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên đầu năm.
Kết quả trên cho thấy Tổng công ty đang quản trị các khoản mục chi phí hiệu quả, tái cấu trúc các khoản đầu tư mạnh mẽ. Tính tới 30/09/2020, VCG sở hữu 19.357 tỷ đồng tài sản, tăng nhẹ so với đầu năm. Các chỉ số tài chính đều ghi nhận chuyển biến tốt trong kỳ. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chỉ 6.798,2 tỷ đồng, chiếm 35,1% tổng tài sản; Tổng số tiền trích lập dự phòng phải thu là 1.582 tỷ đồng. Việc hoàn nhập các khoản dự phòng này cũng có thể là yếu tố đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của Tổng công ty trong thời gian tới.
Ban lãnh đạo Vinaconex cho biết: Công ty hiện có nền tảng tài chính khá vững chắc, dòng tiền mặt lớn, có lúc đạt trên 3.000 tỷ đồng nhưng do bệnh dịch Covid chưa thể triển khai các dự án bất động sản, và quan trọng hơn, nhận thấy tiềm năng phát triển của VCG là rất lớn, nên trước thềm chuyển sàn, Vinaconex đã quyết định mua gần 39 triệu cổ phiếu quỹ, tăng cường tối đa lợi ích cho các cổ đông.
Bên cạnh đó, Công ty còn chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, dự kiến tỷ lệ 12 - 20%/năm. Ngay trong tháng 1/2021, Công ty sẽ trả cổ tức 6% năm 2019 và tạm ứng 6% cổ tức của năm 2020.
Triển vọng từ năng lực cạnh tranh cốt lõi: Thế “kiềng 3 chân”
Vinaconex tập trung xây dựng năng lực cạnh tranh trên 3 trụ cột gồm Xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.
Trong lĩnh vực xây lắp, Chỉ trong vài tháng qua, Liên danh Nhà thầu do VINACONEX đứng đầu đã trúng đấu giá 03 trong số các dự án thành phần lớn nhất thuộc đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây và Mai Sơn – Quốc lộ 45) với tổng giá trị gần 8 000 tỷ đồng. Lực lượng lao động trình độ cao, năng lực máy móc thiết bị… là thế mạnh của VCG đã được dày công bồi đắp qua hàng chục năm hoạt động. Đáng chú ý, Mikazuki Spa&Hotel Resort – một dự án nghỉ dưỡng mang phong cách Nhật Bản tại Đà Nẵng lần đầu tiên được trao cho tổng thầu xây lắp trong nước là Vinaconex, với tổng giá trị đầu tư gần 100 triệu USD (tương đương 2.400 tỷ đồng), hiện nay đã bàn giao giai đoạn 1. Những dự án này đang tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của Vinaconex trong lĩnh vực xây lắp
Với mảng bất động sản, lĩnh vực được coi là mũi nhọn đem đến sự bứt phá của VCG trong tương lai, cho đến thời điểm này Tổng công ty đã tích lũy được quỹ đất lên tới 2.000 ha tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Phú Yên… Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu đẩy quỹ đất đạt 5.000 ha vào năm 2025. Nhiều dự án lớn đã được triển khai để sớm đem về dòng tiền cho VCG, đơn cử dự án Cát Bà với quy mô 173 ha mới đây đã khởi động trở lại, được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho chuỗi các dự án BĐS nghỉ dưỡng đẳng cấp mang thương hiệu Vinaconex trong tương lai
Về đầu tư tài chính, VCG đang tái cơ cấu theo hướng tập trung vào năng lượng sạch, các công trình thủy điện, giáo dục… Thời gian qua, nhiều đối tác nước ngoài đã đặt quan hệ hợp tác với Tổng công ty, điển hình như Toyota đã đăng ký mua 35% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Điện Miền Bắc 2.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức – Phát triển Khách hàng Tổ chức, CTCK SSI nhận định, VCG hoạt động trong ngành bất động sản có triển vọng tăng trưởng tốt năm 2021. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5 – 7%/năm, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch còn dưới 3%. Tuy nhiên từ 2021 trở đi, GDP được dự báo sẽ tăng trở lại trên 6,5%, mức nhanh nhất thế giới, thu nhập của người dân có thể đạt mức 2.800 – 2.900 USD/năm. Ở các quốc gia châu Á, trên 2.500 USD/năm là thời điểm bùng nổ BĐS. Trong khi đó, lãi suất đang giảm nhanh khiến người gửi tiền vào ngân hàng thấy không còn hấp dẫn, dịch chuyển khỏi ngân hàng, đi tìm nguồn đầu tư tốt hơn như chứng khoán, bất động sản
Điểm quan trọng hơn cả là Vinaconex đã tái cấu trúc tốt trong 02 năm vừa qua, hiện giờ có bộ máy tinh gọn, đủ năng lực đảm nhận và phát triển các dự án lớn. Đây là yếu tố cần thiết để VCG thu hút được các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp hơn.
Tiềm năng gia nhập rổ VN30
41.800 đồng là mức giá chào sàn cổ phiếu VCG vào ngày 29/12 . Với những tiềm năng nổi bật như đã phân tích, giá cổ phiếu này được giới đầu tư nhìn nhận còn dư địa lớn để tăng trưởng. Như vậy, vốn hóa VCG có thể đạt tới con số tỷ USD (hiện xấp xỉ 18.500 tỷ đồng).
Cộng thêm khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh những phiên gần đây liên tục duy trì ở mức khá cao (trên 1 triệu cổ phiếu/phiên), nhiều nhà đầu tư cho rằng, cổ phiếu VCG sẽ sớm lọt vào rổ VN30. Nếu điều này xảy ra, thanh khoản VCG sẽ tăng mạnh bởi các quỹ ETF hiện tập trung mua bán chứng chỉ của họ thông qua các rổ chỉ số như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead…
Tính đến nay, room cho nhà đầu tư nước ngoài của VCG vẫn còn gần 49%, mức đủ lớn để hấp dẫn các định chế tài chính nước ngoài bỏ vốn đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi đã trở thành cổ phiếu được quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư lớn, cơ hội huy động vốn để triển khai các dự án lớn, mang tầm vóc quốc tế với quy mô hàng tỷ USD như Cát Bà Amatina sẽ thuận lợi hơn với doanh nghiệp. Đây là kỳ vọng của bất cứ nhà phát triển bất động sản lớn nào tại Việt Nam.