VCCI: Giảm thuế môi trường với xăng dầu là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là giải pháp thiết thực nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo VCCI, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giúp kinh tế tiếp đà hồi phục.

Theo VCCI, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giúp kinh tế tiếp đà hồi phục.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.

Theo cơ quan này, sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và một số chuyên gia, VCCI đồng tình với nội dung của dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2024.

"Việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 là một giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay", VCCI nhấn mạnh.

Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn mà Bộ này đưa ra để lấy ý kiến các Bộ ngành, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.

Chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ 1/4/2022. Tuy nhiên, chính sách này hết hiệu lực vào cuối năm nay, và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ quay lại mức trần từ đầu năm 2024.

Để tránh ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất kéo dài chính sách này đến hết 2024.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của UBTVQH.

Cụ thể: Xăng, trừ etanol: 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa: 600 đồng/lít.

Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH (xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg).

Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ này tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong trường hợp giá xăng dầu biến động ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ báo cáo UBTVQH phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương năm 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường cho những mặt hàng này như đề xuất nêu trên thì số thu thuế bảo vệ môi trường giảm so với việc thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hơn 38.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng thu ngân sách nhà nước giảm hơn 42.800 tỷ đồng.

Mặc dù giảm thu ngân sách, song Bộ Tài chính đánh giá đây là chính sách cần thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục phức tạp, nhiều khả năng giá thời gian tới vẫn biến động khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường trong nước.

Đồng thời sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt...

Tin bài liên quan