Trước đó, VCCI, đơn vị đại diện cho giới sử dụng lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp về vấn đề này.
Theo ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), khảo sát cho thấy, rất nhiều chủ doanh nghiệp phản ánh, với tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc tăng lương sẽ gây áp lực rất lớn lên doanh nghiệp. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đều đề xuất tạm thời không tăng lương tối thiểu vùng năm 2015, hoặc tăng ở mức thấp.
Từ đề nghị của doanh nghiệp, VCCI dự kiến trình lên Hội đồng Tiền lương quốc gia mức tăng tối đa là 12% so với mức tiền lương tối thiểu vùng hiện nay (thấp nhất vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng và cao nhất là 2,7 triệu đồng/tháng). Con số này được đưa ra dựa trên cách tính lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đất nước (GDP) cộng với chỉ số lạm phát.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Ngọc Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn (Bắc Ninh) cho biết, vài năm nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhưng lương tối thiểu cứ tăng liên tục. Giá xăng và dịch vụ vận tải cũng vừa tăng khiến doanh nghiệp bị đội giá thành sản xuất lên khá nhiều, nếu lương tiếp tục tăng khoảng 12% nữa, thì doanh nghiệp sẽ rất khốn đốn.
“Lương thực trả cho người lao động tại Viglacera Tiên Sơn đã ở mức bình quân 6,2 - 6,5 triệu đồng/tháng. Nếu tăng lương tối thiểu, thì doanh nghiệp phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ để đóng thêm các loại phí bảo hiểm cho gần 600 công nhân”, ông Minh lo lắng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty May túi xách Phú Minh Quang (TP.HCM) cho biết, Công ty mới tăng lương cho người lao động, tiền lương bình quân của hơn 100 nhân công hiện đã ở mức 6-7 triệu đồng/tháng. Giờ lại tiếp tục tăng lương tối thiểu, chi phí đóng các loại bảo hiểm sẽ đội thêm vào giá thành, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh hơn với hàng Trung Quốc vốn đã rất có lợi thế về giá cả.
“Nếu Chính phủ cứ tăng lương tối thiểu liên tục mỗi năm bất chấp bối cảnh khó khăn, thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại do hàng hóa bị đội giá, mất khả năng cạnh tranh, từ đó, người lao động có thể mất việc, gây phản ứng ngược”, ông Quang phân tích.
Theo quy chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, việc điều chỉnh tiền lương khối doanh nghiệp sẽ do Hội đồng tổng hợp từ đề xuất của VCCI là đơn vị đại diện cho giới chủ, từ đơn vị đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và từ tính toán của Hội đồng (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đại diện) sao cho cân bằng lợi ích của cả giới chủ lẫn người lao động và nền kinh tế.
Bà Tống Thị Minh, thành viên Hội đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, theo lịch trình, mức tiền lương của năm kế tiếp trong khối doanh nghiệp sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán, trình Chính phủ quyết định vào tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm.
Theo bà Minh, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chưa đưa ra đề xuất cuối cùng, nên Hội đồng chưa thể tính được mức tăng cụ thể trình Chính phủ. “Hội đồng Tiền lương quốc gia chỉ có chức năng nghiên cứu và đề xuất, còn việc có tăng lương hay không, tăng bao nhiêu hoàn toàn do Chính phủ quyết định”, bà Minh nói.