Ảnh minh hoạ.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, vừa hồi âm đề nghị của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội về việc lấy ý kiến Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đây là dự luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ tư, Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra.
Gọi thanh tra là kiểm tra để "né" quy định
Theo VCCI, Luật Thanh tra hiện nay đã có nhiều quy định tương đối chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục giúp hoạt động thanh tra trở nên minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đối tượng bị thanh tra.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra.
Hoạt động kiểm tra này hiện đang không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao.
Ví dụ, nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch kiểm tra, thời hạn kiểm tra, căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra,… Như vậy, đây mới chỉ có quy định trao quyền chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), theo VCCI, có đề cập đến hoạt động kiểm tra với hai nguyên tắc cơ bản là tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, đồng thời để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra.
Nhưng VCCI cho rằng, quy định như vậy vẫn sẽ không giải quyết được vấn đề lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp như đề cập ở trên.
"Chúng tôi cũng hiểu rằng, hoạt động kiểm tra vốn rất đa dạng và việc để pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần có những nguyên tắc tối thiểu làm định hướng để xây dựng các quy định về kiểm tra tại pháp luật chuyên ngành", VCCI góp ý.
Đề nghị cụ thể hơn của VCCI là khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trao quyền kiểm tra cho các cơ quan nhà nước thì cần có tiêu chuẩn tối thiểu của các quy định đó. Như cần phải quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra, kế hoạch kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất, người thực hiện kiểm tra...
Khi thực hiện việc kiểm tra thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như phải có quyết định kiểm tra do người có thẩm quyền kí, quyết định kiểm tra phải nêu rõ: căn cứ ra quyết định kiểm tra; thành viên đoàn kiểm tra; đổi tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra...
Chọn đối tượng thanh tra theo quản lý rủi ro
Sửa đổi Luật Thanh tra lần này, theo VCCI, cần bổ sung nguyên tắc quy định về việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh tra theo quản lý rủi ro.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc cơ quan thanh tra lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra nhiều lúc còn tuỳ tiện, thậm chí có dấu hiệu bị lạm dụng, văn bản góp ý nêu rõ.
Thế nhưng, Dự thảo hiện chưa có quy định về việc lựa chọn đối tượng để đưa vào kế hoạch thanh tra cũng như việc quyết định các nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra.
Dẫn hiệu quả phương thức quản lý rủi ro ở lĩnh vực thuế, hải quan, VCCI nhấn mạnh rằng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo việc tăng cường áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng chưa được triển khai thành chủ trương chung rộng khắp trong các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, VCCI đề nghị Luật Thanh tra bổ sung nguyên tắc quy định về việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh tra theo quản lý rủi ro.
Cụ thể, yêu cầu các cơ quan phải lập cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc phạm vi quản lý Cơ sở dữ liệu bao gồm nhiều tiêu chí nhằm chấm điểm rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Các cơ quan lập công thức chấm điểm rủi ro dựa trên các tiêu chí trong dữ liệu. Thực hiện lựa chọn đối tượng thanh tra định kỳ theo điểm rủi ro của từng đối tượng.
Ngoài các nội dung trên, VCCI còn góp ý cụ thể về các quy định gửi kế hoạch thanh tra, căn cứ ra quyết định thanh tra, nội dung của quyết định này...
Liên quan đến nghĩa vụ bảo mật thông tin của đoàn thanh tra, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải giữ bí mật những thông tin có được từ hoạt động thanh tra, không cung cấp cho bên thứ ba cho đến khi ban hành kết luận thanh tra.