Ông Trần Việt Hưng

Ông Trần Việt Hưng

VCBS tiên phong trên thị trường trái phiếu

(ĐTCK) CTCK Vietcombank (VCBS) là một trong những thành viên đầu tiên tham gia thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt tại Sở GDCK Hà Nội.

ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hưng, Trưởng phòng Kinh doanh vốn và trái phiếu VCBS về thị trường này.

Đâu là những sản phẩm, nghiệp vụ của VCBS để tối ưu hóa nhu cầu huy động vốn của các DN thông qua kênh phát hành trái phiếu, thưa ông?

Dựa trên các mối quan hệ mật thiết với nhiều ngân hàng và các quỹ tương hỗ, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Vietcombank, VCBS có thể sắp xếp việc huy động nợ cho DN để đạt được cơ cấu vốn như mong muốn. Bên cạnh đó, VCBS tự phát triển các sản phẩm trái phiếu mang tính chuyên nghiệp cao của mình để cung cấp, giới thiệu trái phiếu DN ra thị trường. Đây cũng chính là hướng đi mà các CTCK nước ngoài đã thực hiện, với vai trò là cánh tay nối dài về sản phẩm ngân hàng đầu tư của một ngân hàng lớn.

Trong quá trình hoạt động, VCBS coi trọng hai mảng cốt lõi của thị trường trái phiếu, đó là bảo lãnh phát hành và môi giới trái phiếu, đó cũng là thế mạnh của Công ty chúng tôi.

 

Tham gia thị trường trái phiếu từ khi mới sơ khai, VCBS định vị thế nào trong thị trường này?

Với vị thế là CTCK đầu tiên tham gia thị trường trái phiếu tại Việt Nam, từ ngày đầu thành lập (2002) đến nay, thị phần môi giới trái phiếu của VCBS luôn đứng đầu thị trường, đạt xấp xỉ 30% giá trị giao dịch toàn thị trường. Thành tựu này là kết quả của sự kế thừa thương hiệu từ ngân hàng mẹ Vietcombank và sự đóng góp từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về thị trường trái phiếu trong và ngoài nước.

VCBS cũng là một trong những thành viên đầu tiên tham gia thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt tại Sở GDCK Hà Nội (HNX). Công ty tích cực đóng góp ý kiến, hỗ trợ HNX thử nghiệm, hoàn thiện hệ thống, cũng như đóng góp ý kiến cho các chương trình, dự án liên quan tới thị trường trái phiếu, với mong muốn xây dựng một thị trường trái phiếu Việt Nam chuyên nghiệp.

Năm 2013, VCBS đã đón nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vì đã có “Thành tích xuất sắc trong hoạt động của thị trường trái phiếu thứ cấp năm 2012 tại HNX”.

 

Mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ hiện nay cũng như diễn biến CPI sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh trái phiếu, theo ông?

Thời gian qua, lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn tăng, trong khi ở các kỳ hạn dài, lợi suất lại giảm, cho thấy lạm phát được kỳ vọng ổn định hơn trong tương lai. Trong tháng tới, chúng tôi duy trì nhận định lợi suất trái phiếu ở các kỳ hạn ngắn sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ nếu CPI tháng 9 tiếp tục tăng, nhưng bên cạnh đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Với các kỳ hạn dài, lợi suất trái phiếu được kỳ vọng biến động nhẹ quanh mức hiện tại.

Theo nhận định của chúng tôi, diễn biến của thị trường trái phiếu trong những tháng cuối năm sẽ khó sôi động như giai đoạn 6 tháng đầu năm, do tính biến động của kinh tế vĩ mô đã nằm trong phạm vi dự tính của thị trường. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đã cho thấy “cửa” tăng trở lại, khiến các ngân hàng trong nước chưa mặn mà với việc cơ cấu nhiều danh mục sang TPCP. Một số động thái bán ròng của các NĐT nước ngoài tuy chưa thực sự rõ ràng, nhưng cũng phần nào tác động đến tâm lý chung của thị trường.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có công ty định mức tín nhiệm cho thị trường trái phiếu. Trong khi chờ đợi công ty này ra đời, làm thế nào để kênh đầu tư trái phiếu hấp dẫn hơn, theo ông?

Khi cân nhắc lựa chọn trái phiếu DN, NĐT với tư cách là người cho vay luôn muốn biết được các yếu tố rủi ro của DN đó. Mức độ rủi ro này có thể được đo lường và lượng hóa thông qua quá trình thu thập, đánh giá các thông tin và thông số tài chính. Công việc này nếu được chuyên nghiệp hóa bởi các tổ chức định mức tín nhiệm sẽ mang tới rất nhiều thuận lợi cho NĐT, xét về góc độ tính chính xác và tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam đang thiếu vắng các công ty đánh giá tín nhiệm, NĐT hầu như phải tự mình đánh giá và xếp hạng DN theo tiêu chí của riêng mình. Do vậy, để hỗ trợ hoạt động này, qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu DN, chúng ta cần bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và minh bạch cho NĐT. Quyền này phải được cụ thể hóa qua các quy định về cơ chế công bố thông tin, quy chuẩn nội dung công bố thông tin đối với các công ty, tổ chức phát hành.