Do vậy, VCB đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý phần vốn góp tại Eximbank (EIB) và Ngân hàng Quân đội (MBB). Trong đó, Vietcombank đề xuất giữ phần vốn góp tại MBB. Hiện VCB đang nắm giữ khoảng 9% vốn MBB.
Liên quan đến thông tin VCB ủy quyền cho Nam A Bank đối với phần vốn góp tại Eximbank, bà Hoa cho biết, hiện VCB chưa có bất cứ ủy quyền nào liên quan đến Nam A Bank về việc thực hiện quyền của VCB.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, bà Hoa cho biết, kế hoạch đến năm 2020, VCB sẽ tăng vốn lên 4,5 tỷ USD thông qua phát hành riêng lẻ, trả cổ tức bằng cổ phiếu và M&A. Dự kiến từ năm 2016, VCB sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu, mỗi năm tăng vốn khoảng 10%. Đối với phát hành riêng lẻ, cổ đông Nhà nước đang có chủ trương giảm tỷ lệ sở hữu từ 77,11% hiện tại xuống mức 65%, nên đây sẽ là cơ hội phát hành riêng lẻ của VCB. Trong năm 2015, VCB sẽ giảm vốn Nhà nước xuống còn 70% thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài (khoảng 10% vốn điều lệ VCB). Đối với tăng vốn bằng M&A, VCB đang tìm kiếm để hợp nhất với một ngân hàng khác, sau khi chốt được sẽ thông báo với cổ đông.
Về việc bán nợ xấu, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của VCB dưới mức 3% nhưng Ngân hàng vẫn thực hiện bán nợ. Tính đến 30/6/2015, VCB đã bán 1.018 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Dự kiến năm 2016, VCB tiếp tục bán cho VAMC khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, VCB đạt 3.040 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 51,5% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh (trước dự phòng) của VCB đạt 6.034 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Dự phòng rủi ro của Ngân hàng ở mức 2.994 tỷ đồng. Năm 2015, các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02 của NHNN, do đó, trích lập dự phòng của VCB tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm 2014. Để đạt kế hoạch lãi trước thuế 5.900 tỷ đồng, VCB phấn đấu tăng trưởng tín dụng trong năm khoảng 16 - 17% để có thể bù đắp các chi phí, nhất là chi phí dự phòng.