Kỳ vọng hay thách thức
VC7 cổ phần hóa từ năm 2002, niêm yết năm 2007. Công ty duy trì mức vốn điều lệ 80 tỷ đồng trong nhiều năm trước khi phát hành cổ phiếu thưởng vào quý IV/2016, tăng vốn điều lệ lên 109,9 tỷ đồng. Hoạt động chính của VC7 là kinh doanh xây lắp và kinh doanh bất động sản.
Trong tháng 8 vừa qua, cùng với việc cổ đông Nhà nước Vinaconex thoái vốn thành công toàn bộ 36%, VC7 đã có Chủ tịch HĐQT mới - ông Hoàng Trọng Đức.
Mới đây, ngày 12/9, HĐQT VC7 đã thông qua Nghị quyết thoái vốn tại CTCP Đầu tư xây dựng và Kính Vinaconex cùng với việc thống nhất thôi thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Trọng Tấn, người đại diện vốn của Vinaconex tại VC7.
Đây là một trong nhiều động thái của VC7 trong vài tháng gần đây nhằm hoàn tất công việc chuyển giao và kiện toàn bộ máy lãnh đạo mới.
Với dàn lãnh đạo mới, triển vọng kinh doanh của VC7 liệu có được kỳ vọng cải thiện hay không trước thực tế Công ty vẫn đang chịu áp lực lớn trong tình hình 2 mảng chính là bất động sản và xây lắp đều có vấn đề.
Bất động sản không còn dư địa
Mảng bất động sản chiếm khoảng 50% tổng doanh thu Công ty nhưng phụ thuộc vào tình trạng bất động sản đã đến kỳ hạch toán hay chưa.
Trong năm 2014 - 2016, VC7 triển khai Dự án nhà ở để bán ở số 136 Hồ Tùng Mậu bao gồm 2 tòa tháp căn hộ cao 27 tầng. Đây là dự án trọng điểm của công ty, có vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm quần thể khu đô thị ở phía Tây Thủ đô và rất đắt khách.
Đến nay, dự án này gần như đã bán hết. Tòa CT-1A chỉ còn hơn 10 căn hộ và một số căn penhouse, Tòa CT-2A chỉ còn 3 trong tổng số 14 căn penhouse. Dự án đã bàn giao và theo quy định pháp luật, VC7 ghi nhận doanh thu.
Cụ thể, năm 2015, VC7 ghi nhận doanh thu 205,1 tỷ đồng cho mảng kinh doanh bất động sản với giá vốn 131,6 tỷ đồng. Năm 2016, VC7 ghi nhận 124,6 tỷ đồng cho mảng kinh doanh này với giá vốn 46,9 tỷ đồng.
Như vậy, mảng bất động sản mang lại doanh thu lớn và quan trọng hơn là có lợi nhuận tốt, tạo nên kết quả kinh doanh trong 2 năm vừa qua. Nhưng dự án trọng điểm của Công ty về cơ bản đã bán hết, số ít căn hộ còn lại không thể tạo nên doanh thu đáng kể trong năm 2017.
Đối với việc tìm kiếm dự án mới, vào năm 2016, VC7 đặt mục tiêu tìm kiếm khai thác, liên doanh liên kết để phát triển 1 hoặc 2 dự án phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của công ty nhưng đến nay Công ty vẫn chưa công bố dự án nào.
Hiện, các vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội hầu như không còn hoặc rất khó cạnh tranh. Những vị trí xa trung tâm sẽ khó thu hút khách hàng trong bối cảnh nguồn cung căn hộ dư thừa. Rõ ràng đây là nhiệm vụ không đơn giản.
… xây lắp lỗ nặng
Hoạt động xây lắp cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu doanh thu, xấp xỉ 50% nhưng hiệu quả yếu kém.
Năm 2015, doanh thu xây lắp là 144,7 tỷ đồng, giá vốn là 183 tỷ đồng, lợi nhuận âm hơn 38 tỷ đồng.
Năm 2016, doanh thu xây lắp là 137 tỷ đồng trong khi giá vốn xây dựng là 154 tỷ đồng, hoạt động xây lắp tiếp tục lỗ.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chỉ có hoạt động kinh doanh bất động sản có lãi, phải nộp thuế. Các hoạt động kinh doanh còn lại (chủ yếu là xây lắp) lỗ tới 42 tỷ đồng.
Thách thức đối với Ban lãnh đạo mới là phải xem xét lại và cân nhắc các giải pháp để chấm dứt tình trạng thua lỗ, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trong các kỳ đại hội trước, đại diện Ban giám đốc Công ty từng lý giải thua lỗ xây lắp là do trích lập dự phòng. Theo đó, đến 31/12/2016, Công ty có những khoản doanh thu hoạt động xây lắp chưa thu được nên phải trích lập dự phòng theo đúng quy định về hạch toán kế toán, dẫn đến số lỗ xây lắp lớn.
Báo cáo tài chính bán niên 2017 có soát xét cho thấy hiệu quả hoạt động xây lắp có một số cải thiện, doanh thu trong kỳ là 20,9 tỷ đồng, giá vốn hoạt động xây dựng là 20,3 tỷ đồng. Mức cải thiện này vẫn quá ít ỏi để gánh vác cho phần lợi nhuận bất động sản đang bị đe dọa do chưa có dự án, sản phẩm mới được triển khai.