Bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường trái phiếu Việt Nam
Trong 3 năm qua (2013-2016), thị trường trái phiếu Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sang giai đoạn phát triển toàn diện cả về chất và lượng. Quy mô thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2016 tương đương 21% GDP. Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2016, tổng giá trị danh mục TPCP đang lưu hành đạt xấp xỉ 931.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với giá trị danh mục cuối tháng 6/2013 (500.000 tỷ đồng). Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện, giá trị giao dịch TPCP bình quân trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt xấp xỉ 3.839 tỷ đồng/phiên so với mức 1.463 tỷ đồng/phiên năm 2013. Số lượng và mức độ tham gia thị trường của các ngân hàng, tổ chức tài chính tăng nhanh.
Bên cạnh thị trường TPCP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những bước tiến rõ rệt. Tổng khối lượng phát hành trên thị trường sơ cấp trong 3 năm gần nhất (2013 - 2015) đạt lần lượt 57.649 tỷ đồng, 63.546 tỷ đồng, 54.313 tỷ đồng.
Chất lượng sản phẩm giao dịch được cải thiện. Việc áp dụng phương thức phát hành TPCP lô lớn đã góp phần tập hợp được quy mô đủ lớn cho mỗi mã TPCP lưu hành trên thị trường thứ cấp, dễ dàng tạo lãi suất tham chiếu cho các giao dịch TPCP. Kỳ hạn chuẩn của TPCP ngày càng đa dạng (với đầy đủ các kỳ hạn 3, 5, 10, 15 và 30 năm) và có xu hướng kéo dài thời gian đáo hạn trung bình là 7 năm, nhờ vậy, đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tiếp tục được cải thiện về chất lượng.
Các sản phẩm mới liên tục được Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giới thiệu ra thị trường như trái phiếu có kỳ trả lãi dài (long coupon), trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero-coupon) và tới đây là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (bond future), giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm để đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng như có công cụ để phòng ngừa rủi ro.
Hành lang pháp lý cũng như quy tắc thị trường trái phiếu tiếp tục được hoàn thiện, nhiều văn bản chính sách quan trọng đã được ban hành, giúp hoạt động trên thị trường trái phiếu Việt Nam an toàn, hiệu quả hơn; hạ tầng kỹ thuật được chú trọng hiện đại hóa, góp phần nâng cao thanh khoản và tính minh bạch cho thị trường.
… và dấu ấn của VBMA
Trong những bước phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu những năm qua, không thể không kể đến vai trò của VBMA. Tiếp nối những công việc được thực hiện từ nhiệm kỳ I (2009 - 2013), trong nhiệm kỳ II (2013-2016), VBMA tiếp tục theo đuổi sứ mệnh hoạt động là nơi tập hợp, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên thông qua các chính sách và hoạt động thực tiễn, xây dựng một cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực trái phiếu chuyên nghiệp, là nơi thu thập các nguồn thông tin thị trường và là diễn đàn đối thoại chính sách giữa thành viên và cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, Hiệp hội đã bám sát các kế hoạch hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, thông tin kịp thời để lấy ý kiến tham gia, góp ý, phản biện chính sách có hiệu quả từ các hội viên của Hiệp hội. Có thể kể tới như tham gia cùng Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định 88 về thành lập công ty định mức tín nhiệm; phản ánh những vướng mắc khó khăn của thành viên lên cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện Quyết định 160 của UBCK về chào giá TPCP, Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước; hay đề xuất Quốc hội phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm…
Trong nhiệm kỳ qua, VBMA đã tổ chức thành công hơn 50 chương trình đào tạo và hội thảo chuyên đề trong và ngoài nước cho đại diện hội viên và cơ quan quản lý nhà nước tham dự về những kiến thức mới đối với thị trường trái phiếu Việt Nam như: hợp đồng tương lai TPCP, kỹ thuật phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm cấu trúc trái phiếu, các vấn đề cơ bản về hoạt động của thị trường trái phiếu, khảo sát và học tập kinh nghiệm phát triển thị trường các nước trong khu vực…
Về hoạt động phát triển thị trường, VBMA triển khai thành công thỏa thuận giữa các nhà tạo lập thị trường nhằm cung cấp giá trái phiếu chuẩn cho thị trường và tăng thanh khoản của thị trường trái phiếu. Đây có thể nói là một trong các dự án đem lại lợi ích thiết thực nhất vì tính ứng dụng thực tiễn đối với thị trường. Ngoài ra, việc xây dựng hợp đồng mini GMRA nhằm phát triển thị trường repo, hợp đồng khung cho giao dịch outright, nghiên cứu xây dựng các đường cong lãi suất chuẩn ngắn hạn là các công việc đang trong quá trình triển khai và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong nhiệm kỳ tới.
Các thông tin thị trường, về các đợt phát hành và kết quả các đợt phát hành trái phiếu đều được VBMA chuyển tải đầy đủ và kịp thời đến các thành viên.
Có thể nói, việc phát triển thị trường trái phiếu nói chung đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và liên tục từ cả hai phía: các cơ quan quản lý nhà nước và các thành viên thị trường, trong đó VBMA đóng vai trò là cầu nối để việc hợp tác này được thông suốt. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, VBMA mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động sang các thị trường này nhằm tạo động lực đưa thị trường trái phiếu Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam phát triển bền vững.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chủ tịch VBMA nhiệm kỳ III
Trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội sẽ tiếp tục điều chỉnh phương thức hoạt động để phát huy vai trò của mình trong bối cảnh thực tế của thị trường, đáp ứng nguyện vọng của thành viên về một thị trường trái phiếu Việt Nam nói riêng và một thị trường tài chính nói chung phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, hành lang pháp lý cho thị trường đang trong quá trình hoàn thiện. Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực thì VBMA có thể đóng vai trò đầu mối để ban hành thông lệ thị trường, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, hợp đồng khung, xây dựng đường cong lãi suất và giám sát việc triển khai áp dụng của thành viên... Sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc giao quyền tự quản cho VBMA là cần thiết để thực hiện vai trò này.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính
Trong nhiệm kỳ 2013-2016, VBMA đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu phát triển. Nổi bật là việc VBMA tổng hợp ý kiến từ các thành viên thị trường đóng góp với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Nghị định số 88/2014 của Chính phủ về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Nghị định số 88/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện và 3 thông tư hướng dẫn Nghị định số 01/2011 về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
Ngoài ra, VBMA cũng phối hợp với Bộ thường xuyên tổ chức các buổi tham vấn các thành viên thị trường, giúp cơ quan quản lý tổ chức phát triển thị trường tốt hơn.
Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc - Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC)
VBMA đã cùng với Bộ Tài chính, UBCK và các thành viên Hiệp hội thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam. Kết quả có thể thấy rõ là khối lượng phát hành mới TPCP tăng cao và thành công ngay cả ở những kỳ hạn dài, với lãi suất khá thấp so với 4 năm trước đây.
VBMA cũng giúp các thành viên của mình trở nên chuyên nghiệp hơn với nhiều khoá đào tạo về giao dịch, sản phẩm mới, quản lý rủi ro.
Trong nhiệm kỳ tới, mong rằng, VBMA tiếp tục đẩy mạnh hơn hoạt động phát triển thị trường theo chiều rộng và chiều sâu, mở rộng hoạt động sang các sản phẩm liên quan đến trái phiếu trên thị trường tiền tệ và thị trường phái sinh.
Ông Phan Thanh Sơn , Giám đốc khối Nguồn vốn và thị trường tài chính Techcombank
Trong những năm qua, VBMA đã làm tốt vai trò kết nối giữa các thành viên, giúp gia tăng sức mạnh tập thể của Hiệp hội. VBMA cũng làm tốt vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu Việt Nam, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của thành viên.
VBMA cũng nỗ lực góp phần vào việc phát triển các sản phẩm mới cho thị trường trái phiếu thông qua các buổi đào tạo về sản phẩm mới cho thành viên.
Chúng tôi kỳ vọng VBMA sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò phát triển thị trường của mình thông qua việc tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp; kết hợp với các thành viên xây dựng đường cong lãi suất ngắn hạn để phát triển các sản phẩm phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro cho người nắm giữ trái phiếu...
Ngô Thế Triệu , Giám đốc Đầu tư - Công ty Eastspring Investments
So với năm 2010, thị trường trái phiếu Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về lượng lẫn chất. Về lượng, tỷ TPCP đã tăng từ 8% GDP năm 2010 đến 16% GDP hiện nay. Về chất, nếu như năm 2010, TPCP có kỳ hạn dài nhất chỉ là 10 năm thì hiện nay trái phiếu có kỳ hạn dài nhất là 30 năm.
Ngoài các ngân hàng thương mại, thị trường đã có sự đa dạng hóa với sự tham gia của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư nước ngoài. Trái phiếu đã trở thành một kênh huy động vốn chủ lực để phát triển kinh tế đất nước. Những thành công trên có sự đóng góp đáng kể của VBMA, trong vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường. Eastspring Investments tự hào là một trong các thành viên tích cực của VBMA.