Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ tịch Diễn đàn cho rằng vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cần ý thức, chủ động chuẩn bị cho hội nhập sâu rộng hơn vào đời sống kinh tế quốc tế; đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã phê chuẩn và chuẩn bị thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( (CPTPP) và tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.
"Cơ hội sẽ xuất hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, sức ép", ông Lộc khẳng định.
VCCI đã kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách, bãi bỏ điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đồng thời khuyến khích đầu tư hình thức hợp tác công-tư..., ông Lộc chia sẻ và cho biết, Việt Nam cần chuẩn bị tốt để định vị mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, gắn liền với một số yêu cầu cấp thiết như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư thỏa đáng cho công nghệ, cải cách thể chế kinh tế...
Trong bối cảnh này, ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch diễn đàn VBF 2018 cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực thích ứng với các yêu cầu đang đặt ra khi xu thế thương mại, đầu tư toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Andreatta nêu lên một số gợi ý như bổ sung nguồn cung cấp năng lượng, tập trung cải tạo, xây mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng... để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ doanh nghiệp.
“Việt Nam cần hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh nhưng bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường với chi phí thấp hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần khắc phục những hạn chế để tăng sức cạnh tranh, phát huy sức sáng tạo, bắt kịp xu thế kinh doanh nhằm tồn tại, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế”, ông Andreatta nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng là một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế về dài hạn của Việt Nam, trong đó áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP chắc chắn là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này.
Ông Koji Ito nói: "Chúng tôi đánh giá cao các chính sách của Chính phủ trong việc khuyến khích hợp tác đầu tư theo hình thức công tư PPP như việc ban hành Nghị định 63 vào tháng 5/2018 đã giúp đơn giản hóa thủ tục đầu tư PPP, hay việc bỏ quy định phải xin Chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án".
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của công tác khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất 4 nội dung liên quan đến Nghị định này để Chính phủ xem xét.
Cụ thể, cần quy định rõ “luật nước ngoài” được cho phép sử dụng làm luật áp dụng; Cho phép giải quyết tranh chấp bởi trọng tài nước ngoài đối với toàn bộ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án liên quan đến bất động sản; Cho phép nhà đầu tư và các đơn vị triển khai dự án được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và quyền khai thác các công trình dự án; và Chính phủ Việt Nam cần san sẻ một phần rủi ro liên quan đến việc ngừng thanh toán và chứng nhận ngoại hối.
Cũng đặc biệt quan tâm tới những cơ hội hợp tác cũng như các chính sách trong lĩnh vực này, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, để thúc đẩy đầu tư vào hình thức đối tác công tư (PPP), các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư.
Tuy nhiên, hiện nay, các quy định nghiêm ngặt quá mức cần thiết, ví dụ quy định hiện hành là tổ chức phát hành trái phiếu phải có lợi nhuận trong năm trước thì mới được phát hành trái phiếu, và phải có tài sản an toàn (tiền mặt), đang tạo ra rào cản gây trở thành trở ngại cho việc đầu tư.
Trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về PPP cũng có những khía cạnh tích cực như tinh giản các thủ tục hành chính cho các dự án PPP, tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là “sự đảm bảo của chính phủ” đối với việc chia sẻ rủi ro giữa chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi.
“Do đó, việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của doanh nghiệp tư nhân và “sự bảo đảm của Chính phủ” để có thể giảm thiểu rủi ro của các nhà đầu tư có khả năng giúp các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ được thực hiện tích cực hơn nữa”, đại diện Kocham khuyến nghị.