VBF lại “nhắc” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

VBF lại “nhắc” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Nhóm công tác vốn và thị trường vốn tại VBF cuối kỳ 2012 lại “nhắc” Chính phủ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

 

 VBF lại “nhắc” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ảnh 1

Theo nhóm công tác, hai ngành chủ lực cần ưu tiên cổ phần hoá trước là viễn thông và ngân hàng

 

 

Sốt ruột vì tốc độ “rùa bò” của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhóm công tác vốn và thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2012 lại “nhắc” Chính phủ dù những kiến nghị, đề xuất.

 

Đi thẳng vào vấn đề, nhóm công tác đã chỉ ra rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam tuy đã có rất nhiều tranh luận, ý kiến nhưng chưa có nhiều kết quả thực sự kể từ khởi đầu thuận lợi vào năm 2007, đặc biệt là vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

 

Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ, theo ông Terry Mahony, đại diện nhóm công tác, cần phải có “một lộ trình mới với những tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu chi tiết”.

 

Quay lại VBF giữa kỳ tổ chức vào cuối tháng 5/2012 sẽ thấy đây không phải lần đầu tiên nhóm này đưa ra nhắc nhở trên. Bởi, sau 6 tháng kể từ VBF giữa kỳ đến nay, quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước cũng chưa có tiến triển gì trong.

 

Theo nhóm công tác, hai ngành chủ lực cần ưu tiên cổ phần hoá trước là viễn thông và ngân hàng, vừa rồi có hai ngân hàng đã được cổ phần hoá nhưng không thành công do định giá không phù hợp. Trong khi đó, chìa khoá để cổ phần hóa thành công là định giá, và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ai cũng sợ mình có thể bán tài sản của Nhà nước với giá quá rẻ và phải chịu trách nhiệm, nhưng đây là những rủi ro gắn liền với quá trình này.

 

Đáng nói hơn, phần lớn những đợt cổ phần hoá thành công đều là những trường hợp mà chủ sở hữu đặt lên bàn đàm phán một chút lợi ích để thu hút nhà đầu tư. Định giá phát hành quá cao thường dẫn tới thất bại, hơn nữa cũng cần bán một tỷ lệ đáng kể để khi sản phẩm ra thị trường bảo đảm có thanh khoản, chứ không chỉ là mức phần trăm một con số.

 

Vì thế, “quá trình này không thể tiếp tục chỉ dừng lại ở mức thảo luận mà đã đến lúc phải có hành động cụ thể”, một lần nữa nhóm công tác nhấn mạnh.

 

Hơn nữa, doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào những ngành nghề kinh doanh và năng lực chính, chứ không phải dàn trải sang những lĩnh vực không liên quan khác, vì như vậy sẽ chỉ dẫn đến hoạt động không hiệu quả và đối mặt với rủi ro thua lỗ nặng nề. Duy trì kỷ cương, sự nhất quán trong khâu hoạch định là tiền đề để vận hành, xây dựng, cổ phần hóa hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

 

Vấn đề về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng được nhóm công tác quan tâm khuyến nghị.

 

Ở những thị trường mới nổi, nhà đầu tư nước ngoài là một thành tố chính trong thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán nhờ đóng góp nguồn vốn cần thiết để kinh tế phát triển. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quan trọng trong nước cũng cần duy trì sự kiểm soát đối với những lợi ích địa phương, mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước.

 

Do đó, nhóm công tác đề xuất giải pháp cho vấn đề này là quy định một nhóm cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn được hưởng những lợi ích kinh tế như cổ tức, giống như trường hợp Thái Lan.

 

“Mức sở hữu nước ngoài trong ngân hàng nên được nâng lên 49% vì đây sẽ là một con số thực tế hơn” đại diện nhóm công tác nhấn mạnh. Như vậy, sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn cần thiết từ nước ngoài.