Theo đơn khởi kiện, bà Lê Thị S. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, tháng 6/2010, bà Lâm Thị B. (SN 1962, quận Đống Đa, Hà Nội) đặt vấn đề hỏi vay bà 13,5 cây vàng SJC.
Hai bên thống nhất thời gian vay là 3 năm, thỏa thuận miệng lãi suất là 8 triệu đồng/tháng, trả lãi hàng tháng nhưng cuối năm mới thanh toán. Thực tế, bà S. chưa nhận được đồng lãi nào. Vốn là đồng nghiệp, nhưng đến giữa năm 2013 không thấy trả tiền, bà S. khởi kiện ra tòa.
Lời khai của bị đơn thể hiện, tháng 10/2008, bà B. vay và trực tiếp ký giấy nhận nợ với bà S. 60 triệu đồng, lãi là 5%/tháng. Số tiền này, bà B. khai vay hộ bà X. (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư, phát triển thương mại Thăng Hoa) để kinh doanh. Trong thời gian từ tháng 8-11/2009, bà B. tiếp tục vay vàng và tiền. Tính đến ngày 10/6/2010, tổng số nợ gồm 60 triệu đồng, 2 cây vàng SJC và 48 triệu đồng tiền lãi chưa trả, gộp thành 6 cây vàng SJC.
Bà B. cho rằng, bà S. ký hợp đồng vay vốn kinh doanh với bà X. Bản thân bà chỉ là người làm chứng.
Phía bị đơn cũng xác nhận, chữ ký trong giấy vay nợ ngày 10/6/2010 mà nguyên đơn đã xuất trình tại tòa. Tuy nhiên, bà B. khẳng định, ký với mục đích là sẽ có trách nhiệm cùng bà S. đi đòi bà X.
Phủ nhận nợ 13,5 cây vàng, bị đơn cho rằng, số vàng trên là do nguyên đơn tự tính từ hợp đồng vay vốn kinh doanh trên cơ sở 6 cây vàng SJC và lãi phát sinh.
Tháng 8/2015, cấp sơ thẩm - TAND quận Đống Đa căn cứ vào giấy vay nợ ngày 10/6/2010, tuyên buộc bà B. phải thanh toán trả lại 13,5 cây vàng SJC.
Trong quá trình giải quyết , bà S. không yêu cầu tính lãi suất.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Luật sư bảo vệ quyền lợi của bà B. nêu ý kiến, việc cấp sơ thẩm không đưa bà X. tham gia tố tụng với vai trò người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là thiếu sót.
Khi xét xử ở cấp phúc thẩm, TAND TP. Hà Nội xem xét hai nội dung chính. Đó là cần xác định ai là người vay tiền và 13,5 cây vàng SJC được tính từ đâu?
Hội đồng xét xử thấy rằng, một số tài liệu trong hồ sơ như giấy cam đoan, giấy vay nợ có chữ ký xác nhận của bà B. Điều 472, Bộ luật Dân sự nêu: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản”. Do đó, việc bà B. nhận tài sản nhưng chuyển cho người khác được tính là giao dịch dân sự khác. Tòa không chấp nhận yêu cầu của bị đơn là đưa bà X. vào tham gia tố tụng.
Mặt khác, bị đơn nộp lên tòa bản gốc của 4 loại giấy tờ, gồm bản giá trị lượng tiền cho vay từ ngày 10/6/2010 đến ngày 10/1/2013, giấy vay nợ ngày 6/2/2013, giấy cam đoan. Xem xét tài liệu trên, cấp phúc thẩm xác định, số vàng nợ gốc chỉ là 6,7 lượng vàng SJC và 17 triệu đồng.
Theo đó, TAND TP Hà Nội quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn. Bị đơn phải buộc hoàn trả số vàng là 6,7 lượng vàng và 17 triệu đồng.