Vay tín dụng tiêu dùng, khách hàng "bùng nợ" mà gần như không phải chịu một chế tài nào...

Vay tín dụng tiêu dùng, khách hàng "bùng nợ" mà gần như không phải chịu một chế tài nào...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu của NHNN cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tăng trưởng mạnh tại thời điểm 5 năm trước nhưng tốc độ đang giảm dần…

Nợ xấu cho vay phục vụ nhu cầu đời sống gần 18%, tín dụng đen diễn biến phức tạp

Tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra sáng nay (ngày 31/10), ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp, hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Song đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao.

Theo ông Hùng, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý, đó là khách hàng cố tình không trả nợ. Người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại sự kiện

“Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook… nhưng không hề bị xử lý. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được và diễn biến thực trên thị trường cho thấy, dư nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022”, ông Hùng nhấn mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ qua thẻ tín dụng trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 136.000 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cuối năm trước. Trong khi tại thời điểm năm 2018, con số này đạt 100.100 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 33% so với cuối năm trước; năm 2019 là gần 111.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 11%; năm 2020 là gần 121.000 tỷ đồng, tăng 8,5%; năm 2021 là hơn 125.000 tỷ đồng, tăng 5,1%; năm 2022 gần 150.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 18%.

Liên quan đến câu chuyện nợ xấu cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cấp tín dụng qua thẻ tín dụng, số liệu báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cho biết, thời điểm năm 2018 chỉ có 5,5%, năm 2019 giảm chỉ có trên 5%, năm 2020 tăng lên một chút là 6% nhưng đến năm 2021 đã trên 10%; năm 2022 là gần 14% và 8 tháng đầu năm 2023 đã gần 18%.

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Mcredit chia sẻ tại sự kiện

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Mcredit chia sẻ tại sự kiện

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Mcredit nhận định, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng ngày càng kém, hàng loạt những hội nhóm ra đời để chia sẻ cách thức trốn nợ.

Theo ông Ninh, khi kinh tế khó khăn, người lao động mất việc/giảm thu nhập... ngay lập tức họ nghĩ đến việc làm sao để trốn nợ; còn nếu công việc đang tốt, thu nhập ổn định thì tình trạng này sẽ không phổ biến. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi cho vay hay thu hồi nợ chưa đúng quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức, gây bức xúc trong xã hội ở cả kênh chính thống và không chính thống.

“Khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra và thông tin được báo chí tuyên truyền mạnh mẽ, cái được là chấn chỉnh lại thị trường, tuy nhiên lợi dụng bối cảnh đó, không ít khách hàng cố tình hiểu sai và vin vào những tin tức này để tẩy chay, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần”, ông Ninh nói.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh đặt vấn đề: “Nợ phải trả, tại sao lại bùng? Nhưng điều này đang diễn ra một cách công khai nên có gì đó sai sai ở đây”.

Hiện chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép hoạt động, tuy nhiên giá trị tích cực mà các đơn vị này hướng đến đang bị “pha loãng” một phần nguyên do từ việc thu hẹp lại hoạt động để “phòng” và “chống”. Đây là cơ hội, mảnh đất màu mỡ cho hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức hay còn gọi là “tín dụng đen” xâm lấn. Thậm chí, việc bùng nổ của các app cho vay tiêu dùng giả danh các công ty tài chính khiến cho góc nhìn của nhiều người đối với công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua đã có 2.740 vụ với gần 5.000 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” bị phát hiện, 3.399 bị can đã bị khởi tố điều tra. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can.

Bên cạnh “tín dụng đen” cho vay nóng thì giờ đây có thêm tín dụng đen công nghệ. Với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt các ứng dụng cho vay online mọc lên, khó kiểm soát. Đặc biệt, “tín dụng đen” công nghệ có lãi suất cao hơn nhiều so với loại truyền thống, có thể lên tới hàng nghìn phần trăm một năm. Hình thức này khiến cho tín dụng tiêu dùng ngày càng phức tạp hơn.

“Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng”, ông Hùng nhấn mạnh.

... và những giải pháp được đề xuất

Với những thực trạng, khó khăn trên, Tổng giám đốc Mcredit đưa ra những giải pháp.

Thứ nhất, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục đưa ra nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để vực dậy nền kinh tế nói chung, như tiếp tục ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư; phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế...); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn…

Bên cạnh “tín dụng đen” cho vay nóng thì giờ đây có thêm tín dụng đen công nghệ

Đề xuất NHNN tiếp tục xem xét triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh từ đó kích cầu tiêu dùng. Thị trường cho vay tiêu dùng có phục hồi sớm hay không phụ thuộc vào đơn hàng trở lại với doanh nghiệp, người công nhân trở lại nhà máy. Hàng hoá lưu thông tốt hơn và ai cũng có công ăn việc làm. Đây chính là yếu tố đầu tiên giúp các công ty tài chính tiêu dùng tự tin cho vay trở lại.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Thứ hai, ông Ninh kỳ vọng các cơ quan quản lý và NHNN hỗ trợ cùng các công ty tài chính tiêu dùng tăng cường truyền thông đến người dân những thông tin tích cực về tài chính tiêu dùng chính thống, để người dân an tâm chọn lựa dịch vụ.

“Khách hàng cần phải hiểu khái niệm chính thống, là 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép và chịu sự giám sát của NHNN. Không chính thống là các dịch vụ cầm đồ, thậm chí cho vay nặng lãi phi pháp... Hoặc các hình thức cho vay ngang hàng qua app bị biến tướng, giả mạo, không có quy định pháp luật nào điều chỉnh hoạt động của họ”, ông Ninh nói.

Thứ ba, các cơ quan chính quyền địa phương hỗ trợ lực lượng thu hồi nợ và nhân sự của công ty tài chính tiếp cận khách hàng tìm giải pháp thay vì ngăn cấm tiêu cực như hiện tại, đồng thời phối hợp răn đe các đối tượng cố tình chây ì, bất hợp tác.

Việc thu hồi nợ của cho vay tiêu dùng bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng, bởi vì khách vay không có tài sản đảm bảo. Hoạt động cho vay hoàn toàn là tín chấp dựa vào uy tín bản thân của khách hàng và ý chí trả nợ của khách hàng.

Trong khi đó, rất nhiều khách hàng cho rằng bản thân đang khó khăn thì tổ chức cho vay không được đòi nợ trong giai đoạn này... và họ đang gần như không phải chịu một chế tài nào. Các công ty tài chính tiêu dùng chính thống chỉ có thể thông tin về khoản nợ xấu của khách hàng lên CIC nhưng đây chắc chắn không phải là chế tài đủ mạnh.

“Ở các quốc gia có thị trường tài chính phát triển hơn, những khách hàng như vậy sẽ bị hạ điểm tín nhiệm công dân, thậm chí bị hạn chế quyền trong việc sử dụng một số dịch vụ công cộng, tiện ích xã hội. Đó mới là những chế tài thực sự có tác động đến ý thức của người đi vay”, ông Ninh nêu quan điểm.

Thứ tư, NHNN hoàn thiện các quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng hợp pháp, chính đáng của người dân, góp phần hạn chế tệ nạn tín dụng đen.

Tin bài liên quan