Vay tiêu dùng mua nhà và ô tô, ngân hàng chiếm ưu thế

Vay tiêu dùng mua nhà và ô tô, ngân hàng chiếm ưu thế

(ĐTCK) Nếu các công ty tài chính chiếm trọn trận địa vay các món dưới 70 triệu đồng thì ở lĩnh vực tiêu dùng giá trị cao hơn, ngân hàng đang chiếm ưu thế.

Ðiều kiện vay dễ dàng hơn

Các công ty tài chính với ưu thế món vay nhỏ, lãi suất cao và thủ tục đơn giản nên rất nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, cho dù ngành tín dụng tiêu dùng do các công ty tài chính mới chỉ thực sự phát triển 5 năm trở lại đây.

Ngược lại, các ngân hàng với thủ tục vay vốn chặt chẽ hơn, đòi hỏi phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo, chứng minh thu nhập…, nên gần như chỉ chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc vay tiêu dùng giá trị cao.

Song đáng chú ý, theo khảo sát của Ðặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2020, các ngân hàng đang làm rất tốt việc của mình.

Tại VIB, cho vay mua nhà và xe ô tô là động lực tăng trưởng chính của Ngân hàng trong năm 2019 ở mảng khách hàng cá nhân. Trọng tâm kinh doanh của VIB ở phân khúc bán lẻ hướng đến 4 lĩnh vực: Cho vay mua nhà, xe ô tô, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và tương lai gần là thẻ tín dụng.

Sau khi bán lại mảng bán buôn và thực hiện sáp nhập với chi nhánh của ngân hàng CBA tại TP HCM (hoạt động chủ đạo là bán lẻ) vào năm 2017, quy mô và tỷ trọng cho vay bán lẻ tại VIB liên tục tăng mạnh, chủ yếu tập trung tại phân khúc cho vay mua nhà chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ cho vay cá nhân của ngân hàng này.

Ðồng thời, VIB chỉ liên kết với các sàn giao dịch để cho vay trực tiếp người mua cuối, không liên kết hay thực hiện bảo lãnh cho các chủ đầu tư dự án.

Hiện VIB đang liên kết với khoảng 500 đối tác chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, tỷ lệ cho vay trên tài sản tối đa của mảng kinh doanh này là 70% và nợ xấu dưới 1%.

Nhu cầu thực về nhà ở của người dân luôn tăng và đây là thời cơ cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua bất động sản.

Nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói cho vay mua nhà, cho vay tiêu dùng, nhưng cuối cùng vẫn hướng đến trả góp mua, sửa chửa nhà. Techcombank, ACB, Agribank, SeABank… ưu đãi mua bất động sản với thời hạn vay từ 10-20 năm, với giá trị cho vay 70-80%, thậm chí 100% ngôi nhà. Ðáng chú ý là việc tiếp cận các khoản vay này giờ đã dễ dàng rất nhiều.

Khách hàng chỉ cần chứng minh thu nhập bằng một hồ sơ chứng minh vị trí công tác hoặc doanh thu (nếu là hộ kinh doanh), thay vì phải công chứng một loạt giấy tờ phức tạp như trước nay các ngân hàng vẫn thường yêu cầu.

Thêm vào đó, gói vay này có thời hạn cho vay dài lên tới 25 năm, mức vay tối đa 10 tỷ đồng, giúp giảm đáng kể áp lực trả nợ đối với người vay.

Giả sử, một khách hàng quyết định lựa chọn gói vay 2 tỷ đồng với lãi suất cố định 9%/năm trong 25 năm, trả lãi theo dư nợ giảm dần, thì tháng cao nhất cũng chỉ phải trả khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, bằng phân nửa số lãi phải trả nếu vay với thời hạn 15 năm.

… Và nhiều khuyến mại

Bên cạnh đẩy mạnh cho vay mua nhà, dư nợ tín dụng cho vay mua ô tô cũng chiếm phần lớn trong tổng dư nợ cho vay cá nhân của các ngân hàng hiện nay.

Chẳng hạn, tại VIB, dự nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tính đến ngày 31/12/2020 đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng 46% so với hồi đầu năm và chiếm 82% tổng dư nợ toàn hàng.

Trong đó, riêng với tín dụng cho cá nhân vay mua ô tô, VIB là ngân hàng số 1 về thị phần cho vay mua ô tô tại Việt Nam trong 3 năm qua với thị phần chiếm khoảng 24%.

Tại phân khúc cho vay mua ô tô của VIB, hầu hết là mua mới và chuyển nhượng xe, với phân khúc trung đến cao cấp là trọng tâm. Tỷ lệ cho vay trên tài sản đối với mảng kinh doanh này từ 50-70%, nợ xấu khoảng 0,9%.

TPBank triển khai chương trình vay mua xe ô tô đã qua sử dụng, đáp ứng nhu cầu sở hữu ngay chiếc ô tô riêng để thuận tiện cho việc đi lại của nhiều khách hàng với thu nhập tầm trung.

Việc mua xe cũ đem lại cho khách hàng nhiều lợi ích khi chi phí bỏ ra thấp mà vẫn mua được xe với tính năng vượt trội, phục vụ cho nhu cầu cá nhân, cho công việc, đi lại đường dài.

BIDV tung gói vay trung - dài hạn trị giá 20.000 tỷ đồng cho khách hàng có nhu cầu sở hữu nhà, ô tô hoặc sản xuất kinh doanh với mức ưu đãi lãi suất chỉ từ 7,3%/năm.

Khách hàng cá nhân có nhu cầu mua xe ôtô hay sản xuất - kinh doanh trong và sau thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ nhận gói vay ưu đãi trên.

OCB có 2 phương án vay cho khách hàng cá nhân vay mua ô tô. Với phương án đầu tiên, lãi suất cố định 7,99%/năm trong vòng 6 tháng đầu với thời hạn vay tối đa 7 năm hoặc 10 năm.

Ở phương án thứ 2, lãi suất cố định 9,49%/năm trong vòng 6 tháng đầu với thời hạn vay tối đa là 7 năm hoặc 10 năm khi có tài sản đảm bảo khác.

Sacombank lại áp dụng gói vay mua xe ô tô với lãi suất ưu đãi 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu; 8,8%/năm cố định trong 12 tháng đầu; 9,5%/năm cố định trong 24 tháng đầu.

ShinhanBank đưa ra 3 gói lãi suất cho khách hàng lựa chọn gồm: Gói 1 có lãi suất 7,99%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên; gói 2 có lãi suất 8,79%/năm cố định trong 24 tháng đầu tiên; gói 3 có lãi suất 9,59%/năm cố định trong 36 tháng đầu tiên.

Woori Bank niêm yết 7%/năm cho 12 tháng đầu khoản vay, phù hợp với người đi vay muốn có mức trả lãi suất thấp để ổn định tài chính trong thời gian đầu mua xe.

Indovina Bank, cá nhân vay mua xe ô tô sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 7,99%/năm, còn khách hàng doanh nghiệp sẽ nhận được mức lãi suất chỉ từ 7%/năm.

Vay tiêu dùng tiếp tục bùng nổ

Việt Nam sở hữu dân số trẻ với nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng. Theo Ngân hàng Thế giới, có 3 triệu người Việt Nam đã tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu trong giai đoạn 2016-2018, với hơn 900.000 người di chuyển từ nông thôn ra thành thị sinh sống mỗi năm. Ðây là những động lực kích thích chi tiêu cá nhân tại Việt Nam.

Theo dự báo của McKinsey, đến cuối năm 2020, châu Á sẽ đạt hơn 900 tỷ USD doanh thu ngân hàng bán lẻ, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 14%/năm. Thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của khu vực và tiềm năng của cho vay cá nhân trong tương lai rất lớn.

Người Việt Nam chi tiền chủ yếu cho các hàng hóa tiêu dùng như mua nhà, ô tô, đồ gia dụng, điện thoại thông minh, cũng như các hoạt động giải trí như du lịch...    

Người Việt Nam chi tiền chủ yếu cho các hàng hóa tiêu dùng như mua nhà, ô tô, đồ gia dụng, điện thoại thông minh, cũng như các hoạt động giải trí như du lịch...

Khuyến nghị của McKinsey là ngân hàng chỉ cần thực hiện tốt quy trình thực hiện cho vay và kiểm soát hoạt động cho vay khách hàng cá nhân.

Theo đó, cán bộ tín dụng phải theo sát quy trình, nhất là khâu thẩm định. Tuy nhiên, các cán bộ tín dụng cũng cần linh hoạt trong việc áp dụng quy trình này vào từng trường hợp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, đảm bảo an toàn, sinh lời cho ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách kiểm soát hoạt động cho vay khách hàng cá nhân để đảm bảo việc chi trả đúng thời hạn hoặc có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo các chuyên gia ngân hàng, vay tiền ngân hàng để mua nhà, mua ô tô tại Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng chưa đạt đến mức “phổ biến” như ở các nước phát triển.

Những rào cản về thủ tục, thời hạn, lãi suất khiến số đông người dân thường cân nhắc đến nhiều phương án như tích lũy, vay mượn người thân, bạn bè, trước khi tính đến gõ cửa ngân hàng.

Vì thế, các ngân hàng cần tiếp tục bám thị trường, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu tài chính của khách hàng, để từ đó thiết kế ra những sản phẩm phù hợp, tạo thuận cho người vay mua nhà.

Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, tín dụng mua, sửa chửa nhà và cho vay mua ô tô là phân khúc khách hàng luôn được các ngân hàng quan tâm, bởi đây là những sản phẩm tín dụng có tài sản đảm bảo và rủi ro được phân tán.

Tin bài liên quan