Chị Rơ Chăm Nguong, người dân tộc Ê Đê đang sinh sống tại làng Pốk, xã Ia Kươl, huyện Chư Păh cùng với gia đình có 5 người (bao gồm bố mẹ chồng, 2 vợ chồng chị cùng con gái đang học lớp 1) thuộc đối tượng hộ nghèo đã được vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ năm 2013. Với số tiền 20 triệu đồng trong thời gian 5 năm, gia đình chị đã trồng được 300 cây cà phê trên diện tích 15.000 m2.
Mỗi năm thu hoạch cà phê 1 vụ, thu nhập được 20 triệu đồng, trừ đi các khoản tiền cho phân bón, cây giống, thuốc và các khoản khác thu về được 3 triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh đó, gia đình chị còn làm ruộng, trồng thêm cây bời lời, đi làm thuê thu nhập thêm từ 80.000 đến 160.000 đồng/ngày tùy thời vụ.
Bà Bùi Thị Bích Ân, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Chư Păh, Gia Lai cho biết, để có được thành quả trên là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ tín dụng trong việc phối hợp với các thôn, tổ, hội phụ nữ, khuyến nông hướng dẫn về kỹ thuật trồng cà phê, tiêu, mì, bời lời hay kỹ thuật về chăn nuôi bò, làm sao để sinh sôi nảy nở được nhiều hơn, nhằm giúp bà con làm ăn và sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất.
Trong 3 năm thực hiện Đề án, NHCSXH đã giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên với doanh số cho vay đạt 16.491 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 12.453 tỷ đồng. Đến 31/10/2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 11,68% tổng dư nợ toàn quốc, với trên 700 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 42,86% (tương đương 4,9 nghìn tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước 7,76%).
Dư nợ cho vay tập trung ở một số chương trình lớn như: hộ nghèo đạt gần 5,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,8% tổng dư nợ, với gần 260 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 19,3 triệu đồng/hộ; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 3,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,1%, với trên 138 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 22,5 triệu đồng/hộ…
“Trước đây, bà con nhận thức còn yếu, vay tiền ngân hàng giắt trên gác bếp rồi rút ra lấy tiền ăn tiêu dần, sau đó tình hình khó khăn hơn lại quay sang vay tín dụng đen… nhưng bây giờ, bà con vay tiền là có sự phối hợp của nhiều bên để giám sát khoản vay nên cuộc sống đã ngày càng tốt hơn”, bà Ân nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chị Rơ Chăm Nguong nói: “Hàng tháng, tôi đi họp đầy đủ ở nhà tổ trưởng để nghe phổ biến về thời hạn, cách trả nợ cũng như phương pháp trồng và chăm sóc cây cà phê và tiêu. Cuộc sống còn nghèo nhưng từ khi được vay vốn NHCSXH để trồng cà phê thì gia đình đã bớt khó khăn. Sau 5 năm trả hết gốc ngân hàng, gia đình tôi sẽ có 300 gốc cà phê để tiếp tục canh tác trong những năm tiếp theo mà không còn phải trả nợ nữa. Tôi sẽ vay thêm để mở rộng canh tác và trồng thêm cà phê”.
Ông Đoàn Bảy, Bí thư huyện ủy huyện Chư Păh thừa nhận: “NHCSXH cho vay vốn sát sao với người dân để phát triển sản xuất đã góp phần tích cực trong việc xóa tín dụng đen trên địa bàn. Ở nông thôn, những gia đình không có vốn để sản xuất, họ phải chấp nhận vay ứng trước phân bón, hoặc chấp nhận bán non nông sản, đến cuối mùa lại phải trả lãi cho phân bón hay thuốc cao hơn giá bán ban đầu. Trong khi đó, người dân chủ động hơn về vốn sẽ đẩy lùi được tín dụng đen và đặc biệt chờ tới khi thu hoạch mới bán để có được mức giá tốt hơn, đúng với giá thị trường”.
Ngày hôm qua (26/11), tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH cho biết, để triển khai thành công chính sách tín dụng ưu đãi trong cả nước nói chung và tại vùng Tây Nguyên nói riêng, trong thời gian tới, ngành ngân hàng và NHCSXH sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả... Song song với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi tín dụng chính sách tại cơ sở để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời vụ việc tiêu cực, hạn chế thấp nhất rủi ro trong thực hiện tín dụng chính sách, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường nguồn vốn các địa phương dành cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn theo phương châm ưu tiên đầu tư cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo nhằm giúp người vay có vốn sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững…