Hiện nay, đối với các CTCK, khi cho NĐT vay chứng khoán để bán thì sẽ bị hạn chế bởi quy định của pháp luật, nhưng đối với các NĐT cho nhau vay mượn chứng khoán lại hoàn toàn hợp pháp, vì đây là thỏa thuận dân sự giữa hai cá nhân với nhau và không bị pháp luật ngăn cấm.
Thực tế, trên TTCK có nhiều NĐT không quan tâm tới biến động giá của chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định và nhiều NĐT muốn có chứng khoán để bán khi họ chưa sở hữu được chứng khoán tại một thời điểm nhất định. Nhu cầu cho vay chứng khoán giữa hai đối tượng NĐT này là có thật. Tuy nhiên, việc cho vay giữa cá nhân với nhau thì rất khó có thể tạo ra một thị trường, mà cần có sự tham gia của các CTCK đứng dưới vai trò trung gian để tăng độ đảm bảo cho cả hai bên và tạo ra một thị trường vay mượn rộng lớn giữa nhiều NĐT. CTCK có thể liên kết với nhau và cùng đầu tư công nghệ để tạo ra một sàn giao dịch cho vay mượn chứng khoán giữa các NĐT với nhau, việc đầu tư thiết bị hiện đại tạo điều kiện cho các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.
Một NĐT khi muốn cho vay chứng khoán sẽ đưa ra một lệnh "chào vay chứng khoán" với các điều kiện và lãi suất, tỷ lệ đặt cọc nhất định, các NĐT khác nếu thấy phù hợp sẽ "khớp lệnh" chào vay cụ thể nêu trên. CTCK sẽ làm nhiệm vụ đảm bảo cho giao dịch đó được thực hiện đúng quy định và bảo vệ quyền lợi cho cả hai phía NĐT. Trong trường hợp người đi vay tới thời gian nhất định mà chưa trả được chứng khoán thì người cho vay có quyền yều cầu CTCK thực hiện lệnh mua chứng khoán để trả cho người cho vay.
Đây là nhu cầu của nhiều NĐT, CTCK có thể đáp ứng nhu cầu này, nhưng đang cần một hành lang pháp lý nhất định để triển khai.