Vay 200 triệu, mất nhà 10 tỷ
Ông Vũ Duy Hà, số nhà 155, đường Nghi Tàm (Yên Phụ, Hà Nội) cho hay, năm 2012, một người quen đã tìm đến thuyết phục ông vay 200 triệu đồng từ Công ty TNHH phần mềm CFA để xây sửa lại nhà, cho thuê kinh doanh với lãi suất chỉ 1,2%/tháng. Thấy lãi suất hợp lý, ông Hà ký hợp đồng với Giám đốc Công ty CFA là bà Nguyễn Thị Hồng Nhung.
Tin tưởng người quen, ông Hà đã đặt bút ký hàng loạt giấy tờ và đưa sổ đỏ để bà Nhung giữ “làm tin”. Thế nhưng, 10 tháng sau, khi cán bộ Ngân hàng VIB xuống “hỏi thăm”, ông mới tá hỏa khi biết căn nhà của mình đã được sang tên cho bà Nhung và người này đã mang sổ đỏ đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình sang tên đã được bà Nhung hoàn tất sau khi cầm giấy tờ của ông chỉ vỏn vẹn trong 10 ngày.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lệ, tổ 36 - Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) cho hay, do tin tưởng người quen, bà đã ký một loạt giấy tờ và đồng ý giao sổ đỏ, chứng minh thư, sổ hộ khẩu cho bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Nam Phong (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) để vay 150 triệu đồng. Sau khi cho bà Lệ vay tiền, bà Yến đã cầm giấy tờ bỏ trốn, mãi khi xã hội đen và cả cán bộ ngân hàng xuống xem nhà để thu hồi nợ, bà Lệ mới biết nhà của mình đã bị bà Yến mang đi thế chấp. Sau khi vỡ lẽ, ngân hàng cũng mới phát hiện mình bị lừa và không phát mãi nhà bà Lệ. Nhưng đến nay, cả bà Lệ lẫn phía ngân hàng vẫn chưa thu hồi được tài sản của mình, dù sự việc đã xảy ra 3-4 năm.
Trong cả hai trường hợp trên, người dân đã mắc bẫy lừa đảo dẫn tới bị mất nhà. Trong khi đó, hai ngân hàng nhận thế chấp bằng tài sản lừa đảo trên cũng có nguy cơ bị mất tài sản.
Ngân hàng - người dân cùng thiệt hại
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, tình trạng người dân mất nhà vì ký khống giấy tờ cho đối tượng cho vay tín dụng đen có một phần lỗi ở sự tắc trách của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình xét duyệt hồ sơ cho vay.
“Chúng tôi từng chứng kiến có trường hợp doanh nghiệp “mượn” hàng trăm sổ đỏ của người dân để thế chấp ngân hàng vay vốn. Nếu ngân hàng làm đúng quy trình, trách nhiệm thì không thể xảy ra tình trạng này”, luật sư Đức nói.
Không đồng tình với nhận định này, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, quy trình xét duyệt hồ sơ, thẩm định cho vay của các ngân hàng rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có thể xảy ra trường hợp rủi ro đạo đức (cán bộ ngân hàng tiếp tay cho sai phạm) hoặc do cán bộ thẩm định làm qua loa, không phát huy hết tinh thần trách nhiệm.
Theo bà Hạnh, với tình trạng tín dụng đen lừa đảo, ngân hàng cũng là một nạn nhân và việc phát hiện lừa đảo rất khó.
Dẫu vậy nhiều luật sư cho rằng, khi nhận tài sản thế chấp, ngân hàng thường căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở và căn cứ vào giấy ủy quyền để lập hợp đồng thế chấp tài sản, không biết được việc giả mua – giả bán. Theo quy định, khi nhận tài sản thế chấp, ngân hàng phải tiến hành xác minh, định giá tài sản, trực tiếp xem xét định giá tài sản.
Tuy nhiên, nhiều nhân viên ngân hàng đã dễ dãi, thậm chí bỏ qua khâu xác minh, xem xét thực tế, nên đã không phát hiện ra tình trạng giả mua – giả bán như trên.
Cạnh đó, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng cho hay, quy định pháp luật đối với các hợp đồng chuyển nhượng (đặc biệt là quy định về công chứng) hiện còn rất nhiều kẽ hở và đây chính là nguyên nhân đẩy nhiều người dân lẫn các ngân hàng vào “bẫy tín dụng đen”.