Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vật vã vì thiếu thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương đang khốn khổ vì bệnh viện thiếu thuốc, vật tư.

Chiều 2/3, một bệnh nhân ở Hà Tĩnh ra Bệnh viện Mắt Trung ương khám và được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ lại chỉ định bệnh nhân ra Bệnh viện Mắt Sài Gòn- Hà Nội để được phẫu thuật với lý giải Bệnh viện không đủ vật tư.

Còn theo ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Hữu nghị Việt Đức, trung bình một ngày tại một Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình sẽ phẫu thuật cho 40-45 trường hợp, nhưng ngày 1/3 vừa qua, chỉ còn đủ vật tư, hóa chất để mổ 20 ca.

Một bác sĩ cho hay, nếu theo lịch mổ thì bác sĩ này sẽ phẫu thuật cho 19 bệnh nhân, nhưng chỉ đủ vật tư, hóa chất mổ cho 9 bệnh nhân. Những trường hợp khác, phải tư vấn cho người bệnh chờ.

Các bác sĩ tại đây cũng lo ngại, việc 2/3 các khoa mổ cầm chừng, hoãn mổ có thể khiến bệnh nhân nhẹ chuyển dần sang nặng.

Chẳng hạn, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 70 tuổi gẫy cổ xương đùi, yêu cầu phải mổ trong vòng 1-2 tuần nếu không sẽ bị loét do tì đè, có thể chết do bội nhiễm phổi. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng đành phải chờ, ngày nào được mổ thì chúng tôi cũng không thể trả lời.

Khi được hỏi đa số các bác sĩ tại đây đều lo lắng bởi ngoài việc tiếp nhận bệnh nhân vào thẳng khám, cấp cứu, cơ sở còn phải tiếp nhận bệnh nhân nặng do tuyến dưới chuyển lên.

Các bác sĩ đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu dần vật tư, trang thiết bị thiếu yếu trong một thời gian dài.

Nhiều ca mổ nội soi cần 3-4 dụng cụ, các bác sĩ phải hấp lại đồ cũ, hoặc tôi phải dùng đồ cá nhân của mình, không tính tiền cho bệnh nhân, không thể yêu cầu bệnh nhân mua vật tư, hóa chất ở ngoài mang vào. Và hiện tại, ngay cả những đồ đó không còn nhiều.

Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Bình Giang, một năm cơ sở phẫu thuật khoảng 80 nghìn ca bệnh, việc hoãn mổ ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh.

Cũng theo GS. Giang, hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được, đang chờ Chính phủ giải quyết để có vật tư, quay lại mổ bình thường.

Hiện Bệnh viện thiếu cả hóa chất dành cho bệnh nhân ghép tạng mà việc tìm kiếm tạng để ghép phù hợp cho từng bệnh nhân rất khó.

Tạng hiến chỉ có thời gian ngắn để ghép cho người bệnh. Thiếu hóa chất này, người muốn sống không được sống, tạng hiến cũng phải bỏ phí vì không thể ghép được.

Bệnh viện cũng đang thiếu hóa chất là khí máu. Tất cả bệnh nhân hồi sức tích cực, thở máy đều phải theo dõi khí máu, có nghĩa là theo dõi nồng độ oxy và nồng độ khác trong máu hoặc các loại khí để điều chỉnh thuốc.

Nếu thiếu thuốc hóa chất khí máu, bác sĩ sẽ không biết bệnh nhân đang rơi vào tình trạng nào để kịp thời xử lý, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện này cũng phân tích thêm, việc thiếu thuốc chống đông cũng sẽ dẫn đến tình trạng, nếu mổ bệnh nhân thay khớp gối, khớp háng, bệnh nhân mạch máu, bệnh nhân thay van tim mà thiếu hóa chất này dễ dẫn đến tắc mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, nguy cơ phải cắt cụt chân hoặc tử vong.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trường hợp thay khớp gối, khớp háng có thể chi phí từ 50-100 triệu đồng/trường hợp.

Nếu Bệnh viện đủ vật tư, hóa chất cho phẫu thuật, bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chi phí này sẽ giảm đi rất nhiều. Người bệnh đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi không được chăm sóc sức khỏe kịp thời khi họ đã tới cơ sở y tế.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 8.000 - 10.000 người đến khám và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Năm nay khác hẳn những năm trước khi ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến với hơn 6.000 ca/ngày.

Do đó, Bệnh viện hiện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh, liên kết. Khi hết hợp đồng, thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực.

Hiện tại, chúng ta đang phải chờ thông tư mới, quy định mới nên không thể tái kí hợp đồng và kí các hợp đồng mới. Bệnh viện cũng không có nguồn ngân sách nào để đầu tư mua sắm thiết bị mới.

"Do vậy, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện trên cả nước đang kêu vì thiếu vật tư, thiết bị y tế, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.

Cơ quan này kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Cụ thể đối với một số nội dung sau:

Thứ nhất, về quản lý giá trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về thời điểm mua sắm và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay.

Đồng thời, bổ sung quy định tất các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.

Thứ 2, về đăng ký lưu hành trang thiết bị, Bộ Y tế cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, dự thảo nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ 3, về thu hồi trang thiết bị y tế, bộ kiến nghị sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.

Thứ 4, với quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất, cơ quan này kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ mục đích phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày hoặc giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại thương.

Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư 58/2016/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể một số khái niệm như dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn, không thống nhất.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Y tế cần giải quyết dứt điểm, không để người bệnh phải “mua ngoài”.

Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch, khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm không sai đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017, Nghị định 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Từ đó giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao.

Các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tin bài liên quan