Vật vã thu xếp vốn cho cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư Dự án PPP cao tốc Nha Trang-Cam Lâm sẽ bị chấm dứt hợp đồng BOT nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nới thời gian ký hợp đồng tín dụng thêm 3 tháng.
Tập đoàn Sơn Hải thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: A.M

Tập đoàn Sơn Hải thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: A.M

Quyết định sinh tử

“Chúng tôi đang chờ quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc gia hạn thời gian huy động vốn tín dụng/vốn hợp pháp khác cho Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm để thông báo cho nhà đầu tư BOT”, ông Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Đây được coi là quyết định sinh tử đối với Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà đầu tư) và Công ty TNHH Đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Theo hợp đồng BOT số 01/HĐ.BOT-BGTVT được ký với Bộ GTVT vào ngày 6/5/2021, thời hạn chót để doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm phải hoàn thành việc ký hợp đồng tín dụng trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng là lúc 0h ngày 3/12/2021.

Trước đó, vào ngày 6/12/2021, Bộ GTVT đã có Công văn số 12942/BGTVT-ĐTCT gửi Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về việc huy động vốn cho Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết là theo quy định tại khoản 8.2, Điều 8, Hợp đồng dự án, nhà đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm ký kết hợp đồng vay vốn với bên cho vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để huy động vốn thực hiện Dự án.

Do trong vòng 6 tháng kể từ ngày Hợp đồng có hiệu lực (ngày 4/12/2021), Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải chưa huy động đủ nguồn vốn để thực hiện Dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh rà soát các thủ tục để đơn phương chấm dứt hợp đồng, kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ GTVT theo quy định.

Liên quan đề xuất của nhà đầu tư về việc áp dụng quy định của Hợp đồng dự án về sự kiện bất khả kháng để gia hạn thời gian huy động vốn vay, để có cơ sở xem xét, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương xác minh phạm vi ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 đến quá trình huy động vốn tín dụng cho Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

“Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT và trước pháp luật về việc đánh giá, đề xuất giải pháp xử lý việc huy động vốn vay của nhà đầu tư nói riêng, quản lý và giám sát việc thực hiện Hợp đồng của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nói chung”, Công văn số 12942/BGTVT-ĐTCT do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Nút thắt cuối

Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong văn bản gửi Bộ GTVT vào ngày 13/12/2021, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh xác nhận, nhà đầu tư đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của Ngân hàng HDBank về việc tài trợ vốn tín dụng cho Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đồng thời kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn thời hạn hoàn thành việc ký kết hợp đồng tín dụng hoặc huy động nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án thêm 37 ngày kể từ ngày 4/12/2021.

Chiểu theo thời hạn nói trên, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và Công ty TNHH Đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ phải trình được các tài liệu chứng minh là đã hoàn tất việc thu xếp 2.000 tỷ đồng vốn tín dụng vào trước 24h ngày 10/1/2022. Thời hạn này đã bao gồm 30 ngày bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và cộng thêm 7 ngày dự phòng cho các yếu tố khách quan khác.

Cần phải nói thêm, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và Công ty TNHH Đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm từng kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kích hoạt điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng để gia hạn thời hạn ký hợp đồng tín dụng tới tận 3 tháng, tức là đến ngày ngày 4/3/2022.

Tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất nói trên là không có cơ sở và chỉ đồng ý đánh giá tác động cụ thể của dịch Covid-19 đến quá trình thẩm định cho vay vốn của ngân hàng là 30 ngày.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, việc ký hợp đồng tín dụng đang là vướng mắc duy nhất tại Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Trước đó, nhà đầu tư đã hoàn thành đóng xong phần vốn chủ sở hữu trị giá hơn 500 tỷ đồng theo quy định, đồng thời đã tổ chức thi công trên hiện trường với khối lượng hoàn thành tính đến giữa tháng 12/2021 là khoảng 15% giá trị xây lắp.

Tuy nhiên, nếu không được Bộ GTVT gia hạn thời hạn ký hợp đồng và hoàn thành đúng kế hoạch được điều chỉnh, hệ lụy cực lớn sẽ ập đến nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

“Ngoài việc bị chấm dứt hợp đồng, họ sẽ bị phạt rất nặng, trong đó có việc bị thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng”, một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết.

Dự án Xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nha Trang - Cam Lâm (Dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) được thực hiện tại Khánh Hòa, dài khoảng 50 km, với điểm đầu tại km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại km54 thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh.

Trong giai đoạn đầu, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đầu tư 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đoạn cao tốc này có 1 hầm đường xuyên núi Dốc Sạn dài khoảng 700 m, với 2 ống hầm và một số cầu lớn.

Dự án có tổng vốn đầu tư 5.524 tỷ đồng, gồm nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20%), nguồn vốn nhà nước khoảng 2.967 tỷ đồng.

Tin bài liên quan