Vật liệu xây dựng Việt khi xuất khẩu có tính cạnh tranh rất cao

Vật liệu xây dựng Việt khi xuất khẩu có tính cạnh tranh rất cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vật liệu xây dựng Việt Nam khi xuất khẩu có tính cạnh tranh rất cao trên thị trường toàn cầu và sẽ ngày càng cạnh tranh hơn.

Đây là nhận định của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật Liệu Xây dựng TP.HCM tại Diễn đàn Xuất khẩu Vật liệu xây dựng Việt Nam - Australia và Hợp tác trong lĩnh vực Xây dựng và Bất động sản 2024 ở Sydney (Australia) ngày 15/5 vừa qua.

Xuất khẩu vật liệu xây dựng đến hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ

Từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và dư ra khoảng 10 - 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có nhiều nhà máy phục vụ lên đến 90% cho thị trường nước ngoài.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật Liệu Xây dựng TP.HCM

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật Liệu Xây dựng TP.HCM

Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Điển hình về sự phát triển năng lực sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam có thể kể tới là xuất khẩu xi măng. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), công suất sản lượng xi măng của Việt Nam vào năm 2022 đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới và đặc biệt là đứng hạng nhất về xuất khẩu xi măng. Những doanh nghiệp lớn về sản xuất xi măng tại Việt Nam có thể kể tới Tập đoàn Xi măng The Vissai, Xi măng Vicem…

Đáng chú ý, Australia đang là thị trường tích cực đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này khi chi hơn 23,4 triệu USD để nhập khẩu 470.000 tấn clinker và xi măng từ Việt Nam, tăng 135% về lượng và tăng 120% về giá trị trong năm 2023. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tuy nhu cầu sử dụng xi măng tại Australia tăng nhưng do giá thành sản xuất cao nên hàng năm Australia vẫn nhập khẩu một lượng lớn xi măng từ Việt Nam.

Với ngành gỗ, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, là quốc gia thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ và đứng thứ hạng cao nhất xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam được mở rộng đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác (như dăm mảnh, viên nén). Thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, EU, Anh, Úc, Nhật Bản...

Doanh nghiệp VLXD Việt Nam tham dự Diễn đàn Xuất khẩu Vật liệu xây dựng Việt Nam - Australia và Hợp tác trong lĩnh vực Xây dựng và Bất động sản 2024 ở Sydney (Australia).

Doanh nghiệp VLXD Việt Nam tham dự Diễn đàn Xuất khẩu Vật liệu xây dựng Việt Nam - Australia và Hợp tác trong lĩnh vực Xây dựng và Bất động sản 2024 ở Sydney (Australia).

Hiện tại, ngành gạch ốp lát tại Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ 4 trong top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới và đứng đầu ASEAN. Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Việt Nam đang có khoảng hơn 80 doanh nghiệp sản xuất gạch men ốp lát với công suất khoảng 700 triệu m2/năm. Về tạo hình sản phẩm gạch ốp lát, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ cán ép liên tục (công nghệ Continua+) để tạo ra các sản phẩm tấm phẳng kích thước lớn trên 5m2/tấm; sử dụng công nghệ in men màu kỹ thuật số cho sản phẩm với chất lượng và thẩm mỹ.

Ngành thép cũng ghi nhận nhiều sự phát triển đột phá trong thời gian gần đây. Số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 2 của Việt Nam đạt 1,54 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ 2023, lượng sắt thép xuất khẩu tăng 65%, trong khi kim ngạch tăng 66,2%.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực gia công lắp đặt kết cấu thép tại Việt Nam cũng có những bước tiến lớn. Những doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nhà máy lớn với công nghệ dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị hiện đại, có thể cung cấp giải pháp trọn gói.

Với quy mô thị trường vật liệu xây dựng ngày càng mở rộng tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong những năm gần đây, ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ tiến tiến, thiết bị hiện đại tiệm cận các nước lớn trên thế giới, từ đó cải tiến chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam ngày càng đa dạng hóa về chủng loại, mẫu mã, chất lượng được nâng cao rõ rệt, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam so với những doanh nghiệp ngoại khác. Điển hình là gạch xi măng Secoin, gạch thạch anh Á Mỹ.

Dự báo trong thời gian tới, vật liệu xanh sẽ lên ngôi và thu hút các nhà đầu tư có xu hướng phát triển công trình xanh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

Tiến tới xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp

“Không chỉ có xuất khẩu vật liệu xây dựng, tôi tin rằng doanh nghiệp xây dựng Việt Nam còn có thể xuất khẩu cả dịch vụ xây dựng tổng hợp ra nước ngoài. Tức là doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành Tổng thầu xây dựng những dự án bất động sản tại Australia nói riêng và thế giới nói chung”, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, có ba yếu tố tạo nên thế mạnh của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Thứ nhất, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có quá trình phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang sở hữu công nghệ kỹ thuật cũng như phương thức quản lý xây dựng, quản lý doanh nghiệp tiên tiến nhất, phong phú nhất, sở hữu máy móc trang thiết bị hiện đại nhất trong xây dựng.

Thứ hai, doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam không chỉ có năng lực cạnh tranh cốt lõi về thi công xây dựng mà còn có lợi thế về chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng cạnh tranh nhất. Thứ ba, ngành xây dựng có nguồn nhân lực dồi dào, giàu tinh thần học hỏi và đổi mới, sáng tạo.

Tại sao những nhà thầu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp được mà những doanh nghiệp Việt Nam lại không làm được, ông Hải cho biết, dù khá tự tin khi đi ra nước ngoài nhưng doanh nghiệp Việt cũng hiểu rõ sẽ có nhiều thách thức phải vượt qua. Điều khó khăn ở thị trường xây dựng nước ngoài, đặc biệt tại những nước đã phát triển như Australia không phải là sự cạnh tranh về giá mà là những khó khăn về hàng rào kỹ thuật và pháp lý trong việc nhập khẩu nguồn nhân lực, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị thi công..., đặc biệt là vấn đề xuất khẩu lao động.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần phải có chiến lược hợp lý, cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, đồng bộ, một môi trường hợp tác, tương trợ hiệu quả giữa doanh nghiệp xây dựng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, để xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu thành công, cần sự hỗ trợ từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật Liệu Xây dựng TP.HCM kiến nghị có giải pháp hỗ trợ thông tin thị trường toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi trong các hiệp định thương mại, cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế và tạo điều kiện tốt hơn cho nhà thầu trong nước làm tổng thầu, thiết lập hệ sinh thái kinh doanh tối ưu cho ngành…

Đối với doanh nghiệp, cần tái cấu trúc toàn diện (sản phẩm, thị trường, mô hình kinh doanh...), tham gia các diễn đàn, hội chợ triển lãm quốc tế, chủ động kết nối hợp tác

“Giải pháp xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, một khi trở thành hiện thực sẽ đem lại lợi ích cực kỳ to lớn cho nền kinh tế, cho ngành xây dựng Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này nói riêng. Thành công này sẽ đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia”, ông Lê Viết nhấn mạnh.

Tin bài liên quan