Số dự án bất động sản sử dụng vật liệu xây không nung còn rất hạn chế.

Số dự án bất động sản sử dụng vật liệu xây không nung còn rất hạn chế.

Vật liệu xanh: Giải pháp bền vững chống biến đổi khí hậu

(ĐTCK) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe doạ mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, việc nhanh chóng tìm ra các giải pháp thiết thực, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng các loại tài nguyên không thể tái tạo là quan trọng hơn bao giờ hết.

Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu

Một vài đánh giá chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những đánh giá này không liệt kê các quốc đảo nhỏ vốn đang bị đe dọa nhấn chìm bởi mực nước biển dâng lên hàng năm. Chưa kể, Đông Nam Á vốn là khu vực chịu nhiều rủi ro nhất và các quốc gia ở khu vực này sẽ phải vật lộn với biến đổi khí hậu trong nhiều năm tới.

Như vậy, với đường bờ biển dài và vị trí địa lý gần tâm bão bắt nguồn từ Thái Bình Dương, rủi ro từ biến đổi khí hậu chắc chắn không loại trừ Việt Nam.

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chủ yếu là khiến khí hậu nóng lên và làm gia tăng mực nước biển với các tỉnh, thành phố ven biển.

Những nguy cơ như hạn hán, sóng nhiệt, bão, lũ lụt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng tới cả dòng chảy hàng hoá và dịch vụ của mọi thành phần kinh tế.

Sóng nhiệt khiến muỗi lây lan nhiều hơn khiến dịch bệnh lan truyền mạnh hơn; những cơn bão lớn, sóng thần, lũ lụt diễn ra với tần suất dày hơn, mức độ nghiêm trọng hơn đã cướp đi nhiều sinh mạng, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình và ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế của các quốc gia.

Nông nghiệp gần như là ngành nghề chịu thiệt hại lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Mực nước biển tăng cùng với mực nước sông giảm đã bắt đầu gây nên hiện tượng xâm nhập mặn ở các vùng đồng bằng ven biển của Việt Nam, khiến chất lượng đất trồng trọt ngày càng xấu đi.

Năm 2016, thiệt hại từ thời tiết khắc nghiệt như khí lậu lạnh và lũ lụt lên đến 750 triệu USD. Một vài đánh giá cho thấy, khi mực nước biển tăng thêm 0,5 m, khoảng 7 triệu người sẽ bị mất nơi ở và làm nhấn chìm 37% đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp khẩn cấp

Trước tiên, có thể thấy thách thức càng lớn khi mức độ thiệt hại từ biến đổi khí hậu mỗi năm cứ tăng dần. Đối với nông nghiệp, chuyển sang các giống cây trồng bền vững hơn hoặc thay đổi các cánh đồng lúa bị xâm nhập mặn thành ao nuôi tôm, là một cách tiếp cận.

Xói mòn bờ biển sẽ được hạn chế bằng cách quyết liệt ngăn chặn khai thác cát trái phép ở các con sông, vốn đang khiến cát ở bờ biển ngày càng ít đi. Khi bão đổ bộ vào biển, cát sẽ bị cuốn trôi, nếu bão gia tăng cường độ thì cát ở biển sẽ càng hao hụt hơn. Để xử lý vấn đề này, cần nghiên cứu các vật liệu mới thay thế cát tự nhiên, việc này sẽ làm chậm lại quá trình xói mòn bờ biển.

Về mặt dài hạn, các chiến lược xúc tác thị trường luôn là giải pháp thông minh để bắt đầu phát triển bất kỳ một lĩnh vực nào.

Vì vậy, Chính phủ có thể hỗ trợ bằng những sáng kiến chuyển giao công nghệ và giảm thuế cho các công ty áp dụng hiệu quả các giải pháp bền vững. Các sản phẩm tài chính xanh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy gia tăng hiệu quả sản xuất.

Một số tổ chức quốc tế như UNDP, Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Fund), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) và Chứng nhận Kinh doanh Xanh (Green Business Certification) đang hợp tác với các ngân hàng, cơ quan quản lý trong nước để triển khai các gói vay, các nền tảng hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án xanh.

Tuy nhiên, có lẽ công cụ hiệu quả nhất để hướng đến nền kinh tế bền vững tại Việt Nam chỉ đơn giản là nâng cao nhận thức về tiềm năng của các lĩnh vực kinh doanh xanh. Sự chuyển đổi vô cùng lớn từ không bền vững đến bền vững đang diễn ra ở mọi lĩnh vực và bất kỳ ai tham gia vào sự thay đổi này sẽ đạt được lợi ích dài hạn.

Về việc giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính, đơn giản nhất là xác định được nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu như sản xuất năng lượng, vật liệu, xây dựng các toà nhà cao tầng, giao thông, công nghiệp, đất được sử dụng cho các mục đích khác như lâm nghiệp, nông nghiệp và sản xuất vật liệu, trong đó có gạch đất sét nung.

Ngành xây dựng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn (khoảng 35 - 40%), qua đó cũng tạo ra khí thải nhà kính hơn bất kỳ ngành nào khác. Mặc dù Việt Nam đã có chính sách cụ thể về việc khai thác năng lượng, vật liệu, nhưng vẫn cần nhiều bên tham gia để có một chính sách hiệu quả hơn. Việc này đòi hỏi nhiều nguồn lực từ phía cơ quan chức năng tại địa phương.

Vật liệu xanh chống biến đổi khí hậu

Sử dụng vật liệu xây không nung là xu thế tất yếu hướng tới sự phát triển bền vững.
Sử dụng vật liệu xây không nung là xu thế tất yếu hướng tới sự phát triển bền vững.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam ước có khoảng 80-90 triệu mét vuông tầng xây dựng. Trong đó, vật liệu xây dựng chiếm tới 30-50% tổng đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, ngành sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống, thủ công đang được cho là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc tìm kiếm các vật liệu “xanh” trong xây dựng đang là xu hướng phát triển bền vững được nhiều tổ chức quan tâm.

Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung đã tồn tại nhiều đời nay ở nước ta và đã gây ra nhiều hệ lụy như: tiêu tốn nhiều đất sét, nhiên liệu hóa thạch là tài nguyên không tái tạo; gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu; phát thải khối lượng lớn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trước yêu cầu mới của công cuộc xây dựng đất nước là phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 567); ngày 16/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

“Có thể thấy, việc tăng tỷ lệ sử dụng gạch không nung trong xây dựng đã và đang là xu thế tất yếu của các nước trên thế giới. Việt Nam đã và đang có nhiều hành động thiết thực nhằm loại bỏ việc sử dụng gạch đất nung, điển hình như dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những bất cập cần giải quyết từ chính sách như: nguồn vốn, chính sách ưu đãi…” - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.

Đứng trên khía cạnh khoa học công nghệ, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã cùng Bộ Xây dựng và UNDP Việt Nam triển khai nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp cho các DN đầu tư, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây không nung có chất lượng ngày càng cao và hiệu quả.

Một trong những giải pháp được cho là đang có tác động tích cực đến công tác sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường là Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, dự án được triển khai đã góp phần thực hiện thành công Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ với mục tiêu tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mặc dù còn có những trở ngại, xong trong 10 năm qua, Chương trình 567 đã đạt được những thành tựu quan trọng, vật liệu xây không nung đã được sử dụng tại nhiều công trình xây dựng, thị phần vật liệu xây không nung tăng lên đáng kể, cộng đồng xã hội đã có sự quan tâm, thay đổi nhận thức về sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây không nung.

Trả lời báo chí tại Lễ vinh danh “Doanh nghiệp điển hình tiên tiến trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung – Vật liệu xanh cho cuộc sống” tổ chức mới đây, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đã đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và các đối tác, các DN trong việc chuyển đổi sản xuất gạch từ phương pháp thủ công ô nhiễm và sử dụng than sang công nghệ không nung thân thiện với môi trường.

“Việc sản xuất và sử dụng gạch không nung không chỉ có thể thực hiện được, mà còn mang lại lợi nhuận và đưa chúng ta tiến thêm một bước để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu biến đổi khí hậu của Việt Nam” - bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Thời gian qua, ngoài việc sử dụng vật liệu xanh là các khối bê tông khí trong xây dựng các tòa nhà, Việt Nam còn sản xuất và sử dụng các loại sơn sinh thái, gạch không nung, các tấm cách nhiệt, kính tiết kiệm năng lượng…

Tuy nhiên, việc sản xuất vật liệu xanh tại Việt Nam còn gặp phải một số hạn chế như: người dân chưa thật sự hình thành thói quen sử dụng; phía DN chậm đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm xanh do đó, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng xanh còn nhiều hạn chế.

Tin bài liên quan