VASS vi phạm công bố thông tin

VASS vi phạm công bố thông tin

(ĐTCK) Cổ đông CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) phản ánh, VASS tiếp tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin dành cho công ty đại chúng.

VASS vi phạm công bố thông tin  ảnh 1Từ năm 2011 đến nay, VASS không công bố nhiều thông tin quan trọng

Tiếp tục vi phạm công bố thông tin

Trước đó, Báo ĐTCK có bài viết “Nhiều DN bảo hiểm vi phạm công bố thông tin”, trong đó đề cập đến việc VASS dù họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) từ ngày 27/4/2012, nhưng vẫn chưa đăng tải nghị quyết ĐHCĐ, cũng như báo cáo tài chính năm 2011 trên website của Công ty (www.vass.com.vn).

VASS hiện là công ty đại chúng có quy mô vốn lớn (vốn trên 120 tỷ đồng, cổ đông trên 300 người), có nghĩa vụ công bố thông tin như DN niêm yết. Công ty đang trong tình trạng mất thanh khoản, buộc phải tái cấu trúc, lựa chọn thêm cổ đông mới.

Theo quy định, công ty đại chúng phải cung cấp thông tin trên website của công ty và trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (www.ssc.gov.vn), nhưng truy cập website của Ủy ban chỉ thấy những thông tin liên quan đến VASS có từ năm 2009 trở về trước.

Truy cập website VASS thì nhiều thông tin phải công bố theo quy định cũng không thấy có (báo cáo quản trị công ty) hoặc xuất hiện thông báo lỗi (các thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo thường niên các năm 2010, 2011). Ngoài ra, VASS không công bố đầy đủ tài liệu họp ĐHCĐ được tổ chức ngày 23/11/2012 (thiếu tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua các nội dung của Đại hội). Trong khi đó, đại hội này ghi nhận những nội dung mang tính “sống còn” của Công ty như báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tái cấu trúc DN và công bố cổ đông chiến lược mới là Bamboo Capital.

Báo ĐTCK đã liên lạc với một số thành viên Ban điều hành VASS thì được biết, họ không còn trực tiếp điều hành Công ty, hiện đang trong quá trình chuyển giao công việc.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, mặc dù chịu nhiều áp lực của cổ đông và dư luận trong việc phải công bố thông tin theo luật định, nhưng hoạt động công bố thông tin tại VASS đến nay vẫn chưa thấy biến chuyển.

Không chỉ có cổ đông, mà bản thân một số thành viên Ban điều hành VASS cũng không được biết về những hoạt động của Công ty như năng lực điều hành, quản trị của nhà đầu tư mới thế nào, khoản đầu tư góp vốn 260 tỷ đồng của cổ đông mới nhằm tái cấu trúc Công ty sẽ được góp theo hình thức nào, nay đã góp hay chưa…

Ngoài quy định dành cho công ty đại chúng có quy mô vốn lớn, do là DN bảo hiểm, VASS còn chịu sự điều chỉnh của các quy định liên quan đến bảo hiểm. Theo đó, việc công khai thông tin còn phải tuân thủ quy định mới nhất vừa được ban hành là Thông tư 125/2012/TT-BTC. Với những gì đang diễn ra tại VASS, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông cũng như khách hàng (người mua bảo hiểm), rất cần sự quản lý sát sao của Bộ Tài chính, trong đó hai cơ quan trực thuộc là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.

 

Đầu tư tràn lan

VASS là công ty bảo hiểm phi nhân thọ tư nhân đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 2003, với sự tham gia của các cổ đông sáng lập như Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank), Công ty Mía đường Lam Sơn…

Theo tìm hiểu của ĐTCK, năm 2006 - 2007, VASS từng khẳng định vị trí thứ 6 về thị phần cũng như tốc độ tăng trưởng, do ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên toàn hệ thống, cùng với việc sở hữu mạng lưới phân phối bán lẻ khá rộng lớn. Đến nay, VASS có 26 chi nhánh và văn phòng đại diện, 24 phòng/ban kinh doanh/văn phòng dịch vụ khách hàng và gần 1.500 đại lý trên cả nước.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, VASS đầu tư tràn lan (chứng khoán, bất động sản), có thời điểm đi vay vàng theo kiểu “vay thấp, trả cao”, dẫn đến thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán. Công ty từng bị một cổ đông lớn là ngân hàng rút vốn, dẫn đến uy tín DN giảm dần, khả năng thanh khoản kém, gây khó khăn trong hoạt động, nhất là trong khâu bồi thường bảo hiểm.

Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, trong năm 2011, VASS dành 232 tỷ đồng cho đầu tư, trong đó gần 112 tỷ đồng cho cổ phiếu, trái phiếu DN không bảo lãnh và góp vốn vào DN khác 105 tỷ đồng, chỉ dành gần 13 tỷ đồng để gửi vào các tổ chức tín dụng.

Với hiện trạng kinh doanh khó khăn cùng tình hình tài chính lệch lạc (hiện chưa có thông tin về báo cáo tài chính 2012), VASS liệu có thể cải thiện được hiệu quả hoạt động hay không, vẫn còn là câu hỏi ngỏ.