Lãi vay tiêu dùng: Rủi ro cao - lãi suất cao
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã chia sẻ, trong cho vay tiêu dùng, lãi suất của các công ty tài chính tiêu dùng thường cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh và lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại.
Lý do bởi, về bản chất tín dụng tiêu dùng bao giờ mức độ rủi ro cũng cao hơn loại hình cho vay khác của các tổ chức tín dụng, vì chủ yếu đây là khoản vay tín chấp hoặc có tài sản bảo đảm mà giá trị thấp hơn so với mức vay, chi phí cũng cao hơn do phải có mạng lưới phủ rộng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng vay. Các khoản vay này kỳ hạn ngắn và giá trị cho vay nhỏ nên chi phí lớn.
Ngoài ra, chi phí vốn của các công ty tài chính tiêu dùng bao giờ cũng cao hơn do đặc thù cơ cấu vốn của các công ty này không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà các công ty tài chính chủ yếu huy động từ các tổ chức huy động vốn, nên chi phí huy động nguồn vốn cao hơn.
Liên quan đến quản lý hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng và về lãi suất, Thống đốc cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, NHNN đã có những quy định cụ thể. Hiện nay các tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật.
Về văn bản pháp lý điều chỉnh những hoạt động này, Ngân hàng nhà nước đã ban hành thông tư quy định riêng về hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm làm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động cho vay, cũng như lãi suất cho vay của các công ty đối với khách hàng.
“Chúng tôi quy định phải công bố công khai lãi suất, điều kiện cho vay, đồng thời ban hành quy định về phương pháp tính lãi, thời gian tính lãi. Những quy định này rất minh bạch, yêu cầu các công ty tài chính phải minh bạch các nội dung đó”, Thống đốc nhấn mạnh.
Không dễ hạ lãi suất tiêu dùng
Báo cáo Tình hình kinh tế - tài chính tháng 11/2017 và 11 tháng năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng (cả ngân hàng và khối công ty tài chính) ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016.
Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.
Một nghiên cứu của Ủy ban Giám sát cho biết, trong 10 năm qua, xu hướng tiêu dùng thị trường Việt Nam thay đổi rõ rệt, người dân sẵn sàng chi tiêu trước cho các nhu cầu đời sống thay vì tiết kiệm trước, chi tiêu sau.
Trong tương lai, đầu tư tài chính cho tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh và có sự dịch chuyển từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo Ủy ban Giám sát, tín dụng tiêu dùng cuối năm 2016 ước tính khoảng 605 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, chiếm 11,4% tổng tín dụng. Nếu so sánh với GDP thì tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/GDP của Việt Nam là khoảng 9,8%, tăng mạnh so với 2010 (2,3%), nhưng vẫn thấp hơn các nước như Mỹ (23%), Đức (10,5%), Anh (16%), Malaysia (14%)…
Các số liệu trên cho thấy mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng cho thấy, sức ép huy động vốn của các công ty tài chính để cho vay là rất lớn, không riêng vào mùa cao điểm trước Tết Nguyên đán. Khi công ty tài chính thiếu nguồn, buộc phải vay các tổ chức ở mức lãi suất cao thì đương nhiên họ sẽ cho vay người tiêu dùng ở mức cao hơn.
Tìm cách đa dạng hóa nguồn vốn luôn là bài toán khó với các công ty tài chính. Chính vì vậy, điều dễ hiểu là các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam đa số là thành viên của các ngân hàng, nơi họ nhận được sự “giao việc” nhưng cũng bao gồm sự “hỗ trợ” về nguồn đảm bảo cho hoạt động.
Ngoài nguồn từ ngân hàng mẹ, việc huy động vốn ngoại cũng được thực hiện ráo riết, nhưng không dễ bởi bài toán rủi ro tỷ giá không nhỏ, mô hình liên doanh với đối tác ngoại để nhận sự hỗ trợ từ “hai bà đỡ” gồm ngân hàng nội và đối tác ngoại là khả thi hơn.
Trong những động thái như vậy, đáng nói tới là FE Credit vừa thông báo sẽ tiếp nhận khoản vay vốn trị giá 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank để tăng nguồn phục vụ người tiêu dùng. FE Credit được biết tới là công ty con của VPBank và cũng là công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ cao nhất thị trường.
Tương tự như vậy, nếu nhìn vào một thành viên mới trên thị trường là Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (thương hiệu Mcredit) thì đang theo mô hình “hai bà đỡ” với 50% cổ phần do Ngân hàng MB nắm giữ và Ngân hàng Shinsei chiếm 49%...
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, theo mô hình phổ biến, các công ty tài chính tạo nguồn vốn trên các cơ sở như vay vốn từ ngân hàng trong và ngoài nước như trường hợp của FE Credit là cách là phổ biến nhất. Ngoài ra, các công ty này có thể kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào công ty tài chính thông qua hình thức mua cổ phiếu, như trường hợp của Mcredit.
Một giải pháp khác cũng hiệu quả là phát hành chứng chỉ tiền gửi bán cho các thành phần kinh tế. Giải pháp cuối này chưa được các công ty tài chính trong nước áp dụng vì lý do thương hiệu yếu và hệ thống định mức tín nhiệm chưa phát huy được vai trò.
Chỉ khi vấn đề về nguồn vốn được giải quyết thì mới có cơ sở thị trường để hạ mức lãi suất cho vay so với hiện nay.