Cửa hẹp
Vì tình chất rất mới đối với Việt Nam, cũng như nhằm giảm thiểu rủi ro khi vận hành TTCK phái sinh, nên trong định hướng xây dựng chính sách, cũng như điều hành, nhà quản lý đặt ra các yêu cầu khắt khe đối với các CTCK khi muốn tham gia TTCK phái sinh.
Tính chất khắt khe đó được thể hiện ngay trong quá trình hoàn thiện các dự thảo: Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh; Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động trên TTCK phái sinh Việt Nam, khi các tiêu chí mang tính định lượng mà các CTCK phải thỏa mãn nếu muốn tham gia TTCK đã có sự điều chỉnh lên khá cao.
Cụ thể, các dự thảo được UBCK công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường cách đây hơn một tháng quy định: muốn được tự doanh chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng trở lên, có vốn 700 tỷ đồng trở lên mới được triển khai nghiệp vụ môi giới. Tuy nhiên, các quy định này vừa có sự điều chỉnh tăng.
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, để được tự doanh trên TTCK phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên; để triển khai nghiệp vụ môi giới chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn từ 800 tỷ đồng trở lên.
Theo ông Sơn, con số điều chỉnh tăng này là kết quả của quá trình tính toán cụ thể, cũng như dự liệu về số lượng CTCK có khả năng đáp ứng tốt các điều kiện tham gia TTCK phái sinh. Ngoài các yếu tố mang tính định lượng về vốn, chỉ tiêu an toàn tài chính, đội ngũ nhân sự…, các yếu tố định tính mà CTCK phải đáp ứng như: mô hình quản trị rủi ro; quy trình kiểm soát, giám sát giao dịch..., cũng sẽ dần được siết chặt ngay từ khâu xây dựng chính sách, đến tổ chức vận hành thị trường. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để đảm bảo cho TTCK phái sinh vận hành từ năm 2016 an toàn, lành mạnh, giảm thiểu các tác động không mong muốn. Dự kiến, trong quý IV này, dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành.
Không nhiều “vé”
Với các tiêu chuẩn khắt khe nêu trên, số lượng CTCK đủ điều kiện triển khai các hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ trên TTCK phái sinh được dự báo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Căn cứ vào các tiêu chí mới nhất mà UBCK vừa công bố, cũng như quan điểm triển khai TTCK phái sinh theo hướng thận trọng của các cấp quản lý, nhằm giảm thiểu rủi ro, chỉ khoảng 10 CTCK đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh”, lãnh đạo một CTCK nói và lưu ý, điều này thuần túy nhìn trên các chỉ tiêu về định lượng, trên thực tế, các CTCK còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khác nếu muốn tham gia TTCK phái sinh.
Do đặc thù rất mới và phức tạp của TTCK phái sinh, nên để có được tấm vé tham gia thị trường này, tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các CTCK mong muốn khung pháp lý ở cấp nghị định và thông tư sớm được ban hành. Lý do là bởi dựa trên các văn bản này, Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) mới có cơ sở để xây dựng và ban hành hệ thống quy trình, quy chế hướng dẫn về niêm yết, giao dịch; thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh. Từ hệ thống quy trình, quy chế đó, CTCK mới có có sở để triển khai các công việc, mà như tổng giám đốc một CTCK hình dung là phức tạp, tốn không ít chi phí lẫn thời gian.
Cụ thể, đó là các công việc mà khi triển khai sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị rủi ro tại CTCK như: thiết lập hệ thống giao dịch, quản lý tiền cho NĐT để làm sao đáp ứng đồng thời cả nhu cầu giao dịch trên thị trường cơ sở, lẫn thị trường phái sinh; thành lập, đào tạo đội ngũ tự doanh, tư vấn đầu tư, môi giới chứng khoán phái sinh…
Các công việc trên đòi hỏi đầu tư nhiều công sức và thời gian, nên nhiều CTCK cho rằng, chậm nhất là trong quý I/2015, hệ thống pháp lý, cũng như quy trình, quy chế của các Sở GDCK, VSD cần được ban hành, thì họ mới có đủ thời gian hoàn thiện các khâu chuẩn bị, để đáp ứng yêu cầu vận hành TTCK phái sinh vào năm 2016.