Vành đai 4 Thủ đô: Sớm thi công để giảm ùn tắc, tạo liên kết vùng

0:00 / 0:00
0:00

Nếu được triển khai sớm, dự án tuyến đường vành đai 4 Thủ đô sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông nội đô và tăng thêm tính liên kết vùng, phát triển kinh tế-xã hội.

Ùn tắc giao thông trên một đoạn đường vành đai 3 trên cao ở Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Ùn tắc giao thông trên một đoạn đường vành đai 3 trên cao ở Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Với việc chậm trễ đầu tư, xây dựng các tuyến đường vành đai 4 và vành đai 5-vùng Thủ đô, toàn bộ các xe đều phải quá cảnh qua các đường vành đai nội vùng của Hà Nội (vành đai 3) dẫn đến các tuyến này bị quá tải, gây ùn tắc, tai nạn giao thông; chưa phát triển đồng bộ với các quy hoạch đô thị về giãn mật độ dân cư đô thị; chưa tạo đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội.

9 năm vẫn nằm trên giấy

Số liệu khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho thấy lưu lượng xe trên tuyến đường vành đai 3 bình quân khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn.

“Đây là lý do khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên đường vành đai 3 thường xuyên xảy ra khi có các sự cố hoặc khi có sự gia tăng đột biến của phương tiện giao thông vào các dịp lễ, Tết,” đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết.

Hiện nay, cầu Thanh Trì vượt quá tải lượng xe chạy tới 8 lần (khoảng 120.000 xe/ngày đêm, trong khi đó, lưu lượng thiết kế của cầu chỉ là 15.000 xe/ngày đêm) và chỉ cần một va chạm nhỏ trên cầu sẽ dẫn tới ùn tắc.

Để giải quyết giảm ùn tắc giao thông, cụ thể hóa quy hoạch vùng, liên kết các tuyến cao tốc, Quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị vệ tinh, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1278/QĐ- TTg ngày 29/7/2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 Thủ đô, chiều dài 98km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020.

Kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư được xác định từ vốn ngân sách Nhà nước, ODA, từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua.

Trong đó, đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 53,9km; đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài khoảng 18,8km; đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh chiều dài khoảng 21,2km.

Đặc biệt, quyết định cũng nêu rõ, các tuyến vành đai được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương. Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư và là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công-tư).

Về vấn đề này, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đường vành đai 4 đến nay mới chỉ có thành phố Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhưng thực tế hiện pháp luật quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

Hiện nay, Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường vành đai 4 đoạn nối từ cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức PPP (đoạn tuyến từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ thuộc đoạn tuyến này).

Các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19km), tỉnh Bắc Ninh (21km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Vì thế, sau 9 năm từ khi có quy hoạch chi tiết cũng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ triển khai đường vành đai 4 vẫn đang trên giấy.

Nguyên nhân được phía Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra là do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn; nhiều địa phương chưa chủ động, triển khai lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án đầu tư làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận các địa phương chủ yếu tập trung hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh/thành phố, chưa chú trọng đến giao thông kết nối vùng và phối hợp đầu tư giao thông vùng để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư chung của tuyến đường; các tuyến vành đai được quy hoạch với vai trò là tuyến giao thông kết nối Vùng nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư.

Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021

Là địa phương chiếm phần lớn chiều dài nơi có tuyến đường đi qua, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng Thủ đô tiếp tục chịu trách nhiệm huy động mọi nguồn lực, hình thức đầu tư để triển khai và sẽ đưa vào danh mục công trình trọng điểm trong lĩnh vực giao thông ưu tiên triển khai giai đoạn 2021-2025 của thành phố để trình Thành ủy, Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét thông qua làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.

“Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách có tính đặc thù riêng trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thủ tục đầu tư để Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành (có tuyến đường đi qua) tổ chức triển khai đầu tư đáp ứng tiến độ, góp phần kết nối phát triển kinh tế-xã hội vùng Thủ đô,” ông Viện nói.

Phương tiện lưu thông trên tuyến đường vành đai 3 trên cao ở Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).
Phương tiện lưu thông trên tuyến đường vành đai 3 trên cao ở Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Để đảm bảo tính đồng bộ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án tuyến đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 2 tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Theo ông Lê Thắng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Ban đã và đang rốt ráo, rà soát cập nhật số liệu toàn bộ quy hoạch tuyến đường vành đai 4 được duyệt, trong đó xuất hiện điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đi qua các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Riêng, thành phố Hà Nội quy hoạch tuyến đường này không có sự thay đổi.

“Khó khăn nhất là thứ tự ưu tiên đầu tư và nguồn tiền đầu tư dự án tuyến đường vành đai 4 này nhưng Ban Quản lý dự án 2 sẽ cố gắng làm xong sớm trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ và Quốc hội đăng ký vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 hoặc 2026-2030 để triển khai dự án,” ông Thắng cho hay.

Dự kiến vào tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án 2 sẽ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án để Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này.

Tin bài liên quan