Vàng vọt lên 120 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, chênh lệch giá trong nước và thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp và đã có tờ trình sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Chênh lệch giá vàng lại gia tăng khi vàng thế giới nóng

Chênh lệch giá vàng lại gia tăng khi vàng thế giới nóng

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội, NHNN vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2025.

Về thị trường vàng, NHNN cho biết, nhờ loạt giải pháp được đưa ra, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp. Theo đó, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước quy đổi từ mức 25% tại thời điểm cao nhất (18 triệu đồng/lượng - PV) xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5-7%) cuối năm 2024.

Trong quý I/2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỉ lục trước đó, tăng từ mức 2.635 USD/oz (ngày 02/01/2025) lên mức cao nhất tại 3.047 USD/oz vào ngày 19/03/2025.

NHNN chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng là:

Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Isarel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.

Thứ hai, nhiều Ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng;…

Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới, từ mức 84,05 triệu đồng/lượng vào ngày đầu năm 2025, tăng lên quanh mức 100,4 triệu đồng/lượng ngày 19/3/2025.

NHNN cho rằng, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%), đến nay còn khoảng 2-4 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 3~5%), nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.

“Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp”, báo cáo do Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà ký khẳng định.

Mặc dù vậy, theo cập nhật của báo Đầu tư, tính đến ngày 17/4, khi giá vàng thế giới lên ở mức trên 3.330 USD/ounce, sức nóng của thị trường vàng thế giới đã khiến chênh lệch giá vàng lại doãng rộng. Theo đó, giá vàng trong nước lên tới 120 triệu đồng/lượng, tức cao hơn gần 10% so với giá vàng thế giới.

Về quản lý thị trường vàng, NHNN cho hay đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tin bài liên quan