Nơi “trú ẩn” an toàn
Chúng tôi đã thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu thị trường quy mô lớn và tất cả đều có chung kết luận rằng, các nhà đầu tư đều nhận thức vai trò của vàng như một tài sản “trú ẩn” an toàn.
Nhà đầu tư cá nhân, vốn là những người luôn nhạy bén với các tín hiệu từ nhiều thị trường khác nhau vẫn ưu ái vàng, vì vàng luôn giữ vị thế là nơi trú ẩn an toàn để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh lạm phát tăng cao và sự bất ổn địa chính trị. Thực tế cũng đã cho thấy, các nhà đầu tư đã phòng ngừa lạm phát bằng cách đầu tư vào vàng thỏi và xu vàng, khiến tổng cầu bán lẻ vàng trong năm 2022 tăng gần 18% so với năm trước và tiếp tục tăng 1% trong quý I/2023.
Điều này cho thấy, vàng giữ vị thế là một tài sản trú ẩn an toàn và vị thế này còn được củng cố thêm khi kim loại quý này có lợi suất hơn hầu hết các loại tài sản khác vào năm 2022 và quý I/2023. Trong tương lai, chúng tôi dự đoán rằng, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở một số khu vực như Ấn Độ và Đông Nam Á, trong khi nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ có thể tiếp tục suy giảm khi nền kinh tế suy yếu.
Nhu cầu lớn đã đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trung bình trong quý I là 1.890-2.000 USD/ounce và tiếp tục được đẩy lên mức cao hơn trong tháng 4/2023, lên mức kỷ lục gần 2.050 USD/ounce.
Thực tế, theo dữ liệu thống kê của chúng tôi, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vàng vào kho dự trữ của mình, đạt mức kỷ lục trong quý I/2023. Việc mua vàng liên tục với số lượng lớn từ các cơ quan chính phủ nhấn mạnh vai trò của vàng trong danh mục dự trữ ngoại hối khi thị trường biến động và rủi ro tăng cao.
Nhu cầu lớn đã đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trung bình trong quý là 1.890-2.000 USD/ounce và tiếp tục được đẩy lên mức cao hơn trong tháng 4/2023, lên mức kỷ lục gần 2.050 USD/ounce.
Trong khi đó, lượng vàng trang sức toàn cầu trong quý I/2023 duy trì ở mức ổn định với 478 tấn. Nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc đã dần phục hồi, đạt 198 tấn trong quý I/2023, quý đầu tiên khi nước này mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng chính sách Zero Covid.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vàng thông qua các quỹ ETF vàng trong quý đầu năm 2023 đã trải qua sự biến đổi. Theo đó, trong tháng 1 và tháng 2 đã xuất hiện hiện tượng rút vốn ra khỏi quỹ ETF vàng, nhưng do rủi ro hệ thống của nền kinh tế Mỹ, nên tháng 3/2023 đã ghi nhận sự phục hồi vốn đầu tư vào quỹ ETF vàng, góp phần giảm lượng rút ra của toàn quý xuống mức khiêm tốn, khoảng 29 tấn.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn. Trong đó, nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng tại Mỹ đạt 32 tấn trong quý I/2023 - mức cao nhất trong một quý kể từ năm 2010, chủ yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế và nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn trong tình hình khủng hoảng ngân hàng.
Theo dự báo của chúng tôi, nhu cầu đầu tư vào vàng thông qua quỹ ETF tiếp tục ổn định trong quý II năm nay và nguy cơ suy thoái tại các thị trường phát triển sẽ là động lực để nguồn đầu tư vào vàng gia tăng vào cuối năm. Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vào mạnh mẽ và sẽ trở thành một trong những động lực chính của nhu cầu vàng trong 2023, dù mức độ mua vào có thể thấp hơn so với mức kỷ lục đạt được của năm trước.
Vị thế tiếp tục được củng cố trong năm 2023
Dù áp lực lạm phát giảm sẽ cản trở sự tăng trưởng của nhu cầu đầu tư vào vàng thỏi và vàng xu, nhưng chúng tôi kỳ vọng rằng, nhu cầu đầu tư vàng vẫn sẽ cao trong bối cảnh leo thang bất ổn địa chính trị. Ngoài ra, rủi ro suy thoái trong năm 2023 sẽ củng cố nhu cầu đầu tư vàng, vì vai trò của vàng như là một tài sản trú ẩn an toàn sẽ được phát huy trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Bà Louise Street, Chuyên gia nghiên cứu Thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới (WGC) |
Thực tế cho thấy, khi một số nền kinh tế đang đứng trên bờ vực suy thoái, vai trò của vàng như một tài sản chiến lược dài hạn có thể trở nên vô cùng quan trọng, bởi kênh tài sản này đã chứng tỏ khả năng mang lại lợi nhuận tích cực trong 5 trên tổng số 7 cuộc suy thoái gần đây.
Áp lực lạm phát kéo dài khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh đang tạo dấu hiệu về môi trường đình lạm - lạm phát đình trệ (stagflation). Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư được khuyến khích ưu tiên các kênh trú ẩn an toàn như vàng và USD.
Mặt khác, vẫn có khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc hạ cánh "mềm”, khi mà các kênh đầu tư rủi ro hoạt động tốt và lợi suất trái phiếu vẫn ở mức cao, hỗ trợ lợi suất USD. Viễn cảnh này sẽ là một thách thức lớn với vàng, vì nhu cầu kênh đầu tư an toàn sẽ giảm đi, thay bằng các kênh đầu tư rủi ro hơn, nhưng khả năng sinh lời cao hơn như cổ phiếu.
Kỳ vọng về kênh vàng của chúng tôi tương đồng với các dự đoán về bối cảnh kinh tế trong thời gian tới, khi tình trạng lạm phát sẽ giảm và việc tăng lãi suất sẽ chậm lại để thích ứng với tốc độ tăng trưởng yếu của toàn cầu. Khi đó, USD sẽ giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của giá vàng.
Các cuộc khảo sát tiêu dùng được thực hiện trong những năm gần đây cũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư và người tiêu dùng ở nhiều thị trường khác nhau vẫn nhìn nhận vàng là một tài sản trú ẩn an toàn. Kết quả từ khảo sát của chúng tôi tiếp tục được củng cố bởi những dữ liệu về nhu cầu vàng và phản ứng của thị trường với giá vàng trong một số bối cảnh nhất định.
Có thể kể đến sự tăng trưởng trong đầu tư và giá vàng trong quý I/2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra. Vàng được xem như là một biện pháp bảo vệ giá trị tài sản trong thời điểm kinh tế và xã hội khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn, hiệu quả.
Mặc dù không thể đưa ra các dự báo cụ thể về giá vàng, nhưng chúng tôi có thể chia sẻ rằng, qua phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng năm 2023 cho thấy hiệu suất ổn định và tích cực của vàng. Cụ thể, sự suy yếu của USD, cũng như những dấu hiệu suy thoái kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vàng.
Tuy nhiên, sự chậm lại của lạm phát và lãi suất cao vẫn sẽ là rào cản. Dù những yếu tố này có thể vẫn tiếp tục là trở ngại, nhưng so với các kênh đầu tư khác như cổ phiếu và trái phiếu, vàng vẫn là một trong những tài sản có lợi suất tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Yếu tố trên, cộng hưởng với nhu cầu đầu tư vàng vật chất như trang sức, vàng thỏi, xu vàng... cũng như việc các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục mua vàng, có thể nói, kênh vàng vẫn tương đối ổn định. Trong năm 2022, tình trạng lạm phát là yếu tố chính thúc đẩy sự đầu tư mạnh mẽ vào vàng thỏi và vàng xu.
Hiệu suất ổn định của vàng trong phần lớn thời gian của năm 2022, đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và họ đặt kỳ vọng vào việc giá vàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2023 khi các các yếu tố địa chính trị và kinh tế thế giới vẫn đang bất ổn.