Các động lực nào đã giúp vàng tăng giá liên tục như vậy?
Thứ nhất, vàng thường được định giá theo đồng USD, nên các biến chuyển của nền kinh tế Mỹ có tác động đáng kể đối với giá của mặt hàng kim loại quý này.
Sau một thời gian dài tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, lạm phát đang đi đúng hướng của Chính phủ Mỹ. CPI tiếp tục giảm trong tháng 6/2024, về mức 3,0% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,1% so với tháng trước. Thành tố quan trọng nhất và dai dẳng nhất là lạm phát dịch vụ đã thực sự giảm trong tháng 6, sau khi duy trì liên tục thời gian trước đó, giúp Fed tự tin hơn về việc lạm phát toàn phần hướng về mục tiêu 2% trong thời gian tới. Các yếu tố như năng lượng hay hàng hoá cốt lõi giảm hoặc giảm tốc cũng giúp con số CPI toàn phần giảm. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng liên tục trong 3 tháng gần nhất lên 4,1%, cho thấy thị trường lao động yếu đi là động lực cho lạm phát dịch vụ sụt giảm.
Với các số liệu về lạm phát đúng hướng, xác suất cắt giảm lãi suất trong tháng 9 của Fed theo công cụ theo dõi lãi suất của CME đã tăng lên 100%. Thậm chí, thị trường còn kỳ vọng năm nay Fed có 3 đợt cắt giảm lãi suất với tổng 0,75 điểm phần trăm so với chỉ một lần sau kỳ họp giữa tháng 6 của FOMC. Việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ khiến cho USD sụt giảm sức mạnh và theo đó, vàng được định giá theo đồng USD sẽ tăng tương ứng. Kết hợp với việc vàng là một loại tài sản không có lợi tức, khi Fed cắt giảm lãi suất từ mức cao hiện tại thì sức hấp dẫn của tài sản không có lợi tức như vàng sẽ tăng tương ứng.
Yếu tố thứ hai, là thị trường đang lo ngại sau khi Fed cắt giảm lãi suất, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái và vàng sẽ là một tài sản trú ẩn an toàn.
Các giai đoạn suy thoái đầu những năm 1990, giai đoạn đầu những năm 2000 và giai đoạn 2007 - 2008 đều có đặc điểm chung là trước đó, Fed tăng lãi suất liên tục, khiến cho đường lợi tức trái phiếu đảo ngược. Điều này thường xảy ra khi các nhà đầu tư nhận thấy khả năng nền kinh tế xấu đi và có thể rơi vào khủng hoảng khiến dòng tiền đổ dồn vào trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài với mức độ an toàn cao hơn trong trường hợp này. Khi cầu tăng nhiều thì lợi tức dài hạn giảm xuống và lợi tức ngắn hạn tăng lên nhưng nhiều rủi ro. Mức lợi tức tăng lên cũng là mức Fed mong muốn và duy trì quanh mức mục tiêu ấy.
Yếu tố quan trọng thứ ba thúc đẩy giá vàng trong thời gian qua và có thể là thời gian tới chính là lực mua tốt của các ngân hàng trung ương như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ hay một số nước khác trong khối BRICS gần đây. Các ngân hàng trung ương như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… đang có xu hướng tăng tích trữ vàng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ tích trữ vàng khá lớn trong bối cảnh siêu lạm phát và Ba Lan cũng là ngân hàng trung ương mua ròng vàng khá nhiều.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là tổ chức mua vàng lớn nhất trong vòng 3 năm gần đây. Trong đó, một năm trở lại đây, Trung Quốc đã mua ròng 172 tấn vàng và chỉ dừng mua trong tháng 5 - 6/2024 khi giá vàng lên khá cao. Với nỗ lực tăng lượng vàng dự trữ mạnh mẽ nhưng tổng giá trị của vàng (tương đương 161 tỷ USD cuối quý I/2024) mới chỉ chiếm khoảng 4,64% trong tổng dự trữ của Ngân hàng Trung ương nước này.
Gần đây, Trung Quốc giảm mua vàng nhưng Ấn Độ vẫn duy trì lực mua với 4 - 6 tấn/tháng khi đây là thị trường rất ưa chuộng vàng làm trang sức và tích trữ giá trị. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng có động lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD khi trực tiếp tham gia khối BRICS - là đối trọng của Mỹ và các nước châu Âu.
Với mức giá tăng khá mạnh vừa qua, do kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, vàng có thể đối mặt với việc chốt lời và các ngân hàng trung ương giảm dần tích trữ, điển hình như Trung Quốc trong 2 tháng công bố gần nhất, có thể kìm hãm đà tăng của giá vàng. Tuy nhiên, về dài hạn, vàng vẫn là tài sản tích trữ giá trị, tránh lạm phát nên giá vàng vẫn tiếp tục có xu hướng tăng.