Nhìn lại câu chuyện vàng, USD những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, có thể tổng kết lại đó chính là cuộc "rượt đuổi" ngoạn mục giữa giá vàng và giá USD ở thị trường tự do. Chỉ trong vòng một tháng, từ 11/10 đến 11/11, giá vàng đã tăng từ 32,69 triệu đồng/lượng lên 36,45 triệu đồng/lượng và giá USD tự do tăng từ 19.800 đồng/USD lên trên 21.000 đồng/USD.
"Vòng xoáy" tăng giá của vàng và USD với cường độ mạnh ban đầu chỉ đơn thuần là sự tương tác theo nguyên tắc "bình thông nhau" giữa giá vàng trong nước và quốc tế, từ giá vàng tác động tới giá USD thị trường tự do. Xu hướng tăng dần đều sau đó trở nên nóng bỏng bởi có được hỗ trợ bởi làn sóng nắm giữ hai loại tài sản này. Trong thời gian vòng xoáy đó, tại các cửa hàng vàng, lượng người kéo đến hỏi mua tăng đột biến, nhưng không ít phải thất vọng ra về mà không mua nổi dù một chỉ vàng.
Chuyện gì đến cũng phải đến, khi nhiều người quan tâm tới thị trường vàng và USD hơn gửi tiết kiệm, thậm chí một số người sử dụng tiền ngân hàng tham gia vào thị trường nóng đó, các ngân hàng sẽ gặp vấn đề về lượng tiền huy động.
Nhiều ngân hàng đã phải chấp nhận giải pháp "nóng" là tăng lãi suất huy động để hy vọng tăng sự chú ý của người gửi tiền. Bất chấp mức "trần" 12%/năm như đồng thuận thông qua Hiệp hội Ngân hàng đưa ra cuối tuần trước, lãi suất huy động thực tế tại một vài ngân hàng đã lên tới 15%/năm vào giữa tuần này. Lãi suất cho vay đương nhiên được điều chỉnh theo, ngày hôm qua (11/11), một số tờ báo đã đưa tin về mức lãi suất cho vay lên tới 19-20%/năm đã xuất hiện trên thị trường ở một số khoản vay.
Sức nóng lãi suất được chứng minh rõ nhất trên thị trường liên ngân hàng, khi nhiều ngân hàng tăng cường vay mượn lẫn nhau để cân đối nguồn vốn. Những khoản vay ngắn hạn giữa các ngân hàng được "đẩy giá" với tốc độ còn lớn hơn cả mức tăng của giá vàng.
Lãi suất cho vay qua đêm, theo thống kê của HSBC, tăng dần từng ngày từ mức 7,9%/năm ngày 1/11 lên 13,05%/năm ngày hôm qua (11/11), gần bằng mức trần 13,5%/năm (hiện đuợc áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên). Đây cũng là mức cao nhất từ hơn một năm gần đây, bỏ xa đỉnh 10,88%/năm lập được ngày 19/2/2010.
Đó là chuyện thời sự của ngày hôm qua và hơn mười ngày qua, còn chuyện gì đang tới?. Nếu câu chuyện lãi suất không được xử lý sớm, kinh nghiệm năm 2008 và các lý thuyết kinh tế đều cho ra kết quả là mặt bằng lãi suất tăng cao đột biến và kéo dài sẽ khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng bị hãm nhanh chóng. Nguy cơ lạm phát đang lên với những dấu hiệu từ hai tháng nay có thể sẽ bị chặn đứng. Nhiều khả năng, mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát ở mức một con số mà Chính phủ vừa đưa ra được thực hiện. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với một mặt bằng lãi suất cao hơn, tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động tất yếu.
Sau những gì đã diễn ra trong năm 2008, nếu không có gói hỗ trợ được đưa ra vào đầu năm 2009, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Đợt tăng lãi suất lần này nếu bị duy trì lâu có thể sẽ là "đòn" quyết định với những doanh nghiệp vừa mới nỗ lực "hồi sức" từ đáy chu kỳ suy giảm tăng trưởng vừa qua.
Câu chuyện lãi suất tăng quá nhanh có thể sớm được xử lý bởi các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, nhưng nhìn vào biểu đồ lãi suất liên ngân hàng có thể thấy chuyện cũ mỗi khi thị trường tiền tệ có dấu hiệu căng thẳng vốn lại xảy ra. Đang có những ngân hàng "nghiến răng" vay ngân hàng "bạn" mức lãi suất rất cao để cân đối nguồn, nhưng có những ngân hàng lại kiếm thêm những "món lời" không nhỏ từ các khoản cho vay này. Đó là câu chuyện không mới giữa các ngân hàng, nhưng một câu chuyện chưa cũ đang hiện ra trước mắt nhiều doanh nghiệp đó là chi phí vay vốn lại tăng thêm!