Vàng tuần 5-9/5: Chả biết thế nào

(ĐTCK) Vàng có thể giảm do phản ứng tiếp với báo cáo việc làm tốt hơn từ Mỹ, nhưng cũng có thể tăng nếu căng thẳng leo thang ở Ukraine. Tóm lại là… chả biết thế nào.
Vàng tuần 5-9/5: Chả biết thế nào

Vàng bị giằng co giữa tin kinh tế và chính trị

Giá USD trên thị trường quốc tế hôm thứ Sáu tuần qua lúc đầu giảm sau khi nhận được tin bảng lương phi nông nghiệp Mỹ tăng vọt, nhưng sau đó đảo chiều tăng khi các nhà giao dịch lo lắng về sự giảm sút của số người tham gia thị trường lao động và phản ứng với cuộc đụng độ xảy ra giữa quân đội Ukraine và những người biểu tình ủng hộ Nga. Giá càng tăng mạnh hơn khi các nhà giao dịch mua để tất toán trạng thái bán khống trước đó.

Khi sàn Comex đóng cửa, giá vàng giao tháng 6 ở mức 1.302,9 USD/ounce, tăng đến 19,5 USD/ounce so với một ngày trước đó. Cú tăng này đưa giá kim loại lên sát trên đường trung bình động 200 ngày, khi đó là 1.301,1 USD/ounce. So với tuần trước đó, giá vàng giao tháng 6 tăng 2,1 USD/ounce.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 288.000 việc làm trong tháng 4, trong khi các dự báo trước đó chỉ dao động từ 200.000 đến 220.000 việc làm mới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 6,3%, từ mức 6,7% của tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008. Ngoài ra, số lượng việc làm trong tháng 3 và tháng 2 cũng được điều chỉnh tăng tổng cộng 36.000 đơn vị.

Theo khảo sát của Kitco News, trong số 19 chuyên gia trả lời, có 11 người đoán giá giảm trong tuần tới, trong khi 4 người đoán giá tăng và 4 người đoán giá không đổi.

Giá vàng được giao dịch ở mức 1.286 USD/ounce một phút trước khi dữ liệu việc làm được công bố, sau đó giá nhanh chóng giảm còn 1.272 USD/ounce. Nhưng mức thấp này không kéo dài lâu khi giá trở lại mức 1.283,9 USD/ounce chỉ sao đó 5 phút và cuối cùng lên đến mức cao 1.304,9 USD/ounce.

Một số nhà giao dịch cho rằng, thị trường có thể tiếp tục phản ứng với báo cáo việc làm hôm thứ Sáu khi sang tuần mới. Và điều này phần nào được phản ánh trong kết quả khảo sát của Kitco News. Tuy nhiên, cuộc khảo sát này được tiến hành trước khi có cuộc đụng độ ở Ukraine.

“Rõ ràng đang có căng thẳng địa chính trị. Ukraine - Nga chưa biến đi đâu cả”, Robin Bhar, nhà phân tích của Societe Generale nói. “Đó là một nhân tố quan trọng và thị trường sẽ tiếp tục theo dõi nó”.

Vàng SJC giảm gần 200.000 đồng/lượng tuần qua

Tại thị trường trong nước, tuần qua, thị trường chỉ giao dịch chính thức hai ngày đầu tuần 28 và 29/4. Chốt ngày 29/4, giá vàng SJC ở mức 35,40 - 35,46 triệu đồng/lượng, giảm 190.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó.

Cùng ngày, giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận ở mức 34,02 - 34,22 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối tuần trước đó. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 33,10 - 33,80 triệu đồng/lượng, giảm 370.000 đồng/lượng ở giá mua, 180.000 đồng/lượng ở giá bán so với cuối tuần trước đó.

USD xuống thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng

Trên thị trường ngoại tệ, giá USD giảm trên cả thị trường tự do và ngân hàng trong tuần qua. Đặc biệt, tại ngày 29/4, Vietcombank đã hạ giá USD niêm yết xuống còn 21.065 - 21.105 đồng/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 27/1. Giá USD tự do cũng giảm còn 21.080 - 21.100 đồng/USD.

Với các ngoại tệ khác, tất cả đều được Vietcombank hạ giá mua, tăng giá bán bình quân trên 1%. Đây được coi là một động thái phòng vệ của Ngân hàng trước kỳ nghỉ dài. Mức biến động của các loại ngoại tệ gần bằng nhau, thấp nhất là 0,63% với JPY và cao nhất là 1,25% với CAD

Tin bài liên quan