Vàng thế giới tăng 6,6% trong tháng 2
Giá vàng giao tháng 4 kết thúc phiên thứ Sáu tuần trước ở thế giảm, với 1.321,6 USD/ounce trên sàn Comex, giảm 0,15% so với tuần trước đó. Tính chung trong tháng 2, vàng đã tăng 6,6%. Giá vàng giao ngay chốt tuần qua ở mức 1.328,6 USD/ounce.
Vàng đã tăng liên tục trong năm nay, với khoảng 10% tính đến hết tuần qua, và là 1 trong 10 hàng hóa tăng giá mạnh nhất. Với các đỉnh và đáy cao hơn trên biểu đồ kỹ thuật ngày, vàng đang nằm trong một xu hướng tích cực, Bernard Sin, Phụ trách toàn cầu về giao dịch kim loại quý của MKS (Switzerland) SA nói.
Tuy nhiên, một số ít nhà phân tích nói rằng, đà tăng mạnh của các hàng hóa trong năm 2014 có thể đang tới hạn, và giống như bất kỳ thị trường đang tăng nào khác, nếu muốn kéo dài chu kỳ tăng thì cần một sự điều chỉnh.
Lý do vàng có lẽ đã đến lúc điều chỉnh là việc kim loại quý này không thể bứt qua ngưỡng 1.350 USD/ounce, đặc biệt khi giá thoải ra về cuối tuần, Bob Haberkorn, môi giới cao cấp hàng hóa của RJO Futures, nói.
63% chuyên gia dự đoán vàng giảm tuần tới
Theo khảo sát của Kitco News, trong số 19 người trả lời, có 6 người đoán giá tăng, 12 người đoán giá giảm và 1 người đoán giá đi ngang. Các thành viên thị trường bao gồm các nhà môi giới, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch vàng tương lai và chuyên gia phân tích kỹ thuật.
Đà tăng chững lại của vàng cũng có phần liên quan đến sự suy giảm của nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc. Sin và các nhà quan sát thị trường vàng vật chất khác lưu ý, người mua Trung Quốc đã vắng đi khá nhiều trong những ngày gần đây, Sàn vàng Thượng Hải (SGE) gần như không có chênh lệch giá và đã có giao dịch ở giá chiết khấu. Sin cho biết, người Trung Quốc không chỉ ít mua vàng hơn mà lác đác còn có lệnh bán ra.
Đồng nhân dân tệ đã có ngày giảm giá kỷ lục trong tuần qua khi thị trường dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ cố gắng thúc đẩy xuất khẩu. Đồng nhân dân tệ giảm giá khiến vàng thế giới trở nên đắt hơn với người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tháng 1, lượng vàng nhập khẩu ròng từ Hồng Kông vào đại lục là 83,6 tấn, giảm so với mức 91,9 tấn trong tháng 12.
Chứng khoán tăng giá cũng khiến khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư tăng lên, hút bớt tiền từ vàng sang. Cuối tuần trước, chỉ số MSCI toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2007.
“Tiền đang chuyển sang cổ phiếu”, Michael Gayed, Chiến lược gia trưởng về đầu tư của Pension Partners LLC, nói. “Dù có hoạt động chốt lời, song vàng sẽ vẫn được hỗ trợ bởi các lo ngại kinh tế”.
Lượng nắm giữ của các quỹ chỉ số vàng đã tăng 0,4% trong tháng 2, tháng tăng đầu tiên trong vòng 14 tháng.
ECB họp, Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp
Tuần tới sẽ diễn ra cuộc họp định kỳ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và việc công bố bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ. Bất kỳ hành động nào của ECB cũng có thể ảnh hưởng đến đồng euro và qua đó tác động đến chỉ số đồng USD, một chỉ số chi phối ngược với giá vàng. Trong khi đó, tình hình thị trường lao động sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Fed, qua đó tác động đến giá vàng.
Ngoài hai sự kiện trên, các diễn biến địa chính trị cũng sẽ được các nhà giao dịch và nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ trong tuần tới.
Mặc dù một số nhà quan sát thị trường dự đoán giá vàng có thể giảm do thiếu vắng cầu vàng vật chất, nhưng các cuộc biểu tình chính trị ở một số thị trường mới nổi có thể trở thành nhân tố giữ giá vàng không giảm hoặc thậm chí tăng, một nhà môi giới vàng nhận định.
Vàng SJC dao động 400.000 đồng/lượng tuần qua
Tại thị trường vàng trong nước, tuần qua là một tuần nhiều cảm xúc, khi giá vàng các thương hiệu tăng rồi giảm mạnh đến 400.000 đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng thương hiệu quốc giá SJC, ngay trong hai ngày đầu tuần 24 và 25/2, đã liên tục tăng mạnh với tổng cộng 390.000 đồng/lượng từ mức thấp nhất lên mức cao nhất 36,47 - 36,55 triệu đồng/lượng. Giá dao động dưới mức cao này trong cả ngày 26 trước khi “rơi tự do” trong ngày 27 xuống mức thấp nhất là 36,05 - 36,11 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá thay đổi trong biên độ dưới 100.000 đồng/lượng đến hết tuần, chốt tại mức 36,09 - 36,16 triệu đồng/lượng, thấp hơn 60.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó.
Chốt tuần, giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 34,54 - 34,94 triệu đồng/lượng, tăng 140.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 34,09 - 34,64 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó.
USD giảm nhẹ trên cả thị trường tự do và ngân hàng
Giá USD có xu hướng giảm trên cả thị trường tự do và ngân hàng trong tuần qua, song mức giảm của USD ngân hàng là rất nhỏ. Cụ thể, giá USD do Vietcombank niêm yết chỉ được điều chỉnh duy nhất một lần trong tuần vào ngày 25/2, giảm 5 đồng xuống còn 21.080 - 21.120 đồng/USD.
Giá USD tự do giảm liên tiếp trong 3 ngày đầu tuần, mỗi ngày 5 đồng ở giá mua, 10 đồng ở giá bán xuống còn 21.110 - 21.130 đồng/USD vào ngày 26/2. Sau đó, giá tăng lại 10 đồng trước khi giảm 5 đồng ở giá bán trong ngày cuối tuần, chốt tại 21.120 - 21.135 đồng/USD.
Các ngoại tệ khác liên tục đảo chiều trong tuần, lũy kế không có biến động nhiều so với tuần trước đó. Hầu hết đều chỉ tăng/giảm từ 0,22% trở xuống, ngoại trừ JPY, tăng 0,54%.
Trên thị trường quốc tế, cặp EUR/USD sau khi giảm giữa tuần đã bật tăng trong ngày cuối tuần trước thông tin IMF đang xúc tiến cho vay cứu trợ Ukraine, giúp đồng EUR hồi phục, trong khi chứng khoán Mỹ tăng điểm khiến nhu cầu nắm giữ USD làm tài sản an toàn ít đi, ép USD giảm giá. Chốt tuần, cặp tỷ giá này ở mức 1.3798, tăng so với mức thấp 1,3640 trong tuần và mức 1,3740 cuối tuần trước đó.