Vàng tác động thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính?

Vàng tác động thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính?

“Phá đỉnh”, “kỷ lục lịch sử”, “đỉnh cao nhất mọi thời đại” là các từ ngữ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây để nói về vàng, hàng hóa đang làm giới đầu tư và cả những người dân bình thường “phát sốt” vì mức độ tăng giá khủng khiếp của nó.

Liên tiếp lập kỷ lục

 

Giá vàng phá các loại đỉnh của nó bắt đầu từ 3 năm trước (đỉnh trước đó là năm 1980). Tháng 10/2008 khi giá vàng từ mức $680/oz đã lên đến $1.800/oz trong tháng 8 năm nay với mức tăng gần 150%. Đây là một trong các sản phẩm có mức tăng lớn nhất trong thời gian này và chỉ đứng sau giá bạc (tăng xấp xỉ 500% từ mức $8,4/oz lên sát $50/oz). Còn nếu tính chu kỳ tăng giá trong 10 năm qua 02 kim loại này đã tăng khoảng 580% (từ mốc $250/oz) và bạc là 1.150% (từ mức $4/oz).

 

Những yếu tố hỗ trợ giá vàng suốt hơn 10 năm qua

 

Chu kỳ tăng của giá vàng đã được khởi động trong giai đoạn 1999-2001 sau hàng loạt scandal tại nền kinh tế lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là Mỹ. 3 sự kiện nổi bật khi đó là:

 

- Khủng bố tòa tháp đôi WTC ngày 11/9/2001

 

- “Bong bóng” chứng khoán bùng nổ từ khủng hoảng “dot com”. Hàng loạt các công ty dạng này sụp đổ sau khi các nhà đầu tư (NĐT) đổ xô bán tháo cổ phiếu do họ nhận ra những cổ phiếu này đã tăng giá quá nóng vượt qua giá trị thật.

 

- Và vụ scandal của tập đoàn Enron do kiểm toán gian lận là đổ vỡ niềm tin của NĐT. Sự kiện Enron đã làm cho 5 Công ty kiểm toán lớn nhất lúc bấy giờ thường được gọi là “Big 5” chỉ còn “Big 4” cho đến ngày nay sau khi Arthur Andersen phải đóng cửa vì kiểm toán gian lận cho tập đoàn này.

 

Hàng loạt sự kiện trên đã làm thị trường tài chính Mỹ cùng các thị trường lớn khác trên thế giới chao đảo, giới đầu tư mất niềm tin, kinh tế thế giới rơi vào nguy hiểm. Điều này đã bắt buộc FED phải hành động khi liên tục hạ lãi suất, các ngân hàng cũng hạ các tiêu chuẩn cho vay để kích cầu (nguyên nhân cho cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2009 từ cho vay nợ dưới chuẩn). Giá vàng nhân cơ hội đồng tiền mất giá cũng bắt đầu “lên tiếng” và liên tục xô đổ các kỷ lục của chính nó cho đến tận hôm nay.

 

Những yếu tố nào tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới ?

 

Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền làm nơi trú ẩn chống lại khủng hoảng, lạm phát, sự mất giá của tiền tệ. Vì thế hàng loạt các yếu tố kinh tế xã hội vẫn tồn tại trong nhiều năm qua và nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục thêm một thời gian nữa khi mà như khủng hoảng, suy thoái, lạm phát… vẫn còn phủ một bóng đen lớn trên nền kinh tế toàn cầu thì giá vàng vẫn còn nhận được sự hỗ trợ tăng giá.

 

Cụ thể các NHTW lớn trên thế giới đặc biệt là Mỹ vẫn duy trì lãi suất ở mức “siêu thấp” cũng như tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, liên tục “bơm” tiền vào nền kinh tế. Những bất ổn về chính trị, xã hội diễn ra liên miên như bất ổn ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh hải, thảm họa thiên nhiên … ở các nơi trên thế giới. Gánh nặng nợ công tại Mỹ và Châu Âu, nỗi lo suy thoái kép, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và lạm phát đang có dấu hiệu leo thang. Bên cạnh đó các NHTW cùng các Quỹ Đầu tư lớn đang tăng cường mua vàng.

 

Điều này cho thấy cần một lượng tiền khổng lồ để giải quyết các vấn đề bất ổn nhưng cái giá phải trả là lạm phát tăng vọt như một định nghĩa đơn giản của lạm phát là “lạm dụng sự phát hành tiền”. Đồng tiền định giá vàng trên thị trường tài chính thế giới là đô la Mỹ liên tục suy yếu suốt 10 năm nay. Chỉ số giá đồng đô la (USD Index/USDX) từ mức 120 điểm vào năm 2001 (cùng thời kỳ giá vàng đạt mức thấp trong hơn 30 năm) về mức thấp nhất 70 điểm vào tháng 3/2008 và hiện nay đang xoay quanh mốc 73-75 điểm.

 

Đô la Mỹ suy yếu do FED kiên trì chính sách nới lỏng tiền tệ để kích cầu. Hiện tại giới đầu tư cho rằng Mỹ sẽ phải tiếp tục in thêm tiền và đã có những lời đồn thổi về gói QE3 sẽ được FED đưa ra với bước đầu tiên là FED vẫn tiếp tục duy trì lãi suất “không thể thấp hơn” ở mức 0,25%. Tuy nhiên mức tăng trưởng ấn tượng nhất mà FED đã làm được bằng chính sách này không phải là đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mà chính là đưa giá vàng đi vào lịch sử.

 

Vàng tác động đến nền kinh tế và thị trường tài chính

 

Trong lịch sử tiền tệ thì tiền giấy đã có một thời kỳ được bản vị bằng vàng hoặc bản vị lưỡng kim (vàng và bạc) khi đó hầu như không có lạm phát (hoặc hạn chế ở mức tối thiểu) vì tiền giấy không bị mất giá do cứ đem một số lượng tiền giấy được quy định vào Ngân hàng sẽ đổi được ra vàng hoặc bạc tương ứng. Chế độ này còn được ủng hộ do tránh được sự bành trướng quá mức của tín dụng và nợ nần giúp nền kinh tế đạt được sự ổn định. Lạm phát và nợ nần chính là yếu tố quan trọng làm kinh tế thế giới rối loạn hiện nay. Tuy nhiên không thể đủ các kim loại quý để bản vị nên đến một thời điểm nhân loại đã phải chuyển sang bản vị bằng nền kinh tế của quốc gia. Nghĩa là lượng tiền được in ra bao nhiêu thì nền kinh tế hấp thụ và đưa ra sản phẩm tương ứng bấy nhiêu. Bởi thế những nền kinh tế lớn, hàng hóa chất lượng thường sẽ có một đồng tiền mạnh được sử dụng nhiều trên thế giới.

 

Ví dụ một triệu USD được đưa vào nền kinh tế thì sẽ có một triệu hộp sữa được sản xuất ra. Nhưng đến một ngày một triệu USD đưa vào chỉ có 900 ngàn hộp được sản xuất. Điều này nghĩa là đồng tiền đã giảm đi giá trị do lượng tiền đưa vào trở nên nhiều hơn mức cần thiết hoặc phần tiền dư còn lại đã được đưa vào một nơi khác chứ không phải nền kinh tế. Tiền đưa vào nền kinh tế thì sẽ sản xuất ra sản phẩm nhưng tiền đưa vào BĐS hoặc vàng thì sẽ không có gì được sản xuất ra cả. Khi đó giá những hàng hóa này phải tăng để cân bằng với tiền được đưa vào. Như vậy việc giá vàng tăng liên tục cho thấy dòng tiền chọn vàng làm nơi trú ẩn làm cho nền kinh tế mặc dù vẫn thừa tiền nhưng lại thiếu tiền phục vụ cho tăng trưởng.

 

Tại Việt Nam theo số liệu của WGC (Hội đồng vàng thế giới) số lượng vàng nằm trong dân lên đến cả ngàn tấn. Như thế tồn tại một khối lượng tiền lớn không được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và làm cho các chính sách kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế trở nên khó khăn hơn, việc giảm bớt lượng tiền thừa trong nền kinh tế sẽ khó mà đạt được kết quả như mong đợi khi không “hút” được lượng tiền này để đưa nó vào nơi cần đến. Và thị trường chứng khoán nơi được xem là “phong vũ biểu” của nền kinh tế sẽ khó có cơ hội đi lên.

 

Vàng không còn khả năng giảm giá

 

Trong ngắn hạn những yếu tố trên tiếp tục sẽ hỗ trợ cho giá vàng và rõ ràng khả năng giá vàng giảm mạnh là rất khó. Tuy nhiên việc gia tăng không dễ dàng như trước. Nếu quan sát kỹ ta thấy giá vàng về mặt con số có vẻ tăng mạnh nhưng nếu tính theo tỷ lệ % giá đang tăng chậm lại. Một số Quỹ Đầu tư lớn đang bán ra mạnh như IMF đã hoàn tất bán hơn 400 tấn vàng, Quỹ của Geogre Soros đã bán hoàn tất 99% vàng, SPDR Gold Trust – Quỹ Đầu tư vàng hoán đổi lớn nhất thế giới mặc dù mua hàng chục tấn trong vài tháng gần đây nhưng vẫn chưa thể đạt được mức cao nhất của Quỹ này nắm giữ hồi năm ngoái là 1.320 tấn. Bên cạnh đó giá vàng tăng cao làm nhu cầu có dấu hiệu chững lại. Ngoài ra kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm nhưng đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất là 2007-2009.

 

Chúng ta đã biết đến “bong bóng” nhà đất, CK và “bong bóng” giá vàng là có thể. Bên cạnh đó giá trị đồng đô la ở mức thấp nhất lịch sử vào tháng 3/2008, USDX đạt hơn 70 điểm thì vàng khi đó chỉ xấp xỉ $1.000/oz. Hiện nay USDX giao động ở mức 73-75 nhưng giá vàng cao hơn thời điểm đó đến $700 cho thấy mức tăng của vàng vượt quá mức thông thường.

 

Lịch sử lên tiếng

 

Vàng là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền khi khó khăn nhưng đáng tiếc “bão lại rất thích đến vịnh”. Nhìn lại lịch sử cho thấy một khi giá vàng tăng quá nóng vượt ra khỏi các yếu tố hỗ trợ thông thường thì khi điều chỉnh mức điều chỉnh cũng sẽ làm “bàng hoàng” không kém khi nó tăng giá.

 

Năm 1980 giá vàng đạt mốc $850/oz sau khi gia tăng từ mức $35/oz năm 1970. Sau đó giá vàng liên tục đi xuống trong suốt 20 năm.

 

Trong giai đoạn hơn 20 năm giảm giá của vàng đã làm cho nhiều nhà đầu tư phải chịu đựng thua lỗ rất lớn mà cho đến tận ngày hôm nay vẫn chưa thể “huề vốn”. Bởi vì mặc dù giá vàng năm 1980 ở mức cao nhất chỉ là $850/oz nhưng theo tính toán của một số Ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới và WGC (Hội đồng vàng thế giới) thì giá vàng thời điểm cao nhất năm 1980 tương ứng với khoảng $3.500/oz thời điểm hiện tại.  Như vậy nếu có ai giữ vàng trong suốt hơn 30 năm vẫn chưa thể lấy lại được “nửa tiền”.

 

Gần đây nhất là năm 2008 khi giá vàng đạt “đỉnh” $1.032 ngày 17/3/2008 thì giá đã đảo chiều rất mạnh xuống còn $680 (giảm đến 45% chỉ trong 7 tháng) vào tháng 10 cùng năm đó. Ở cả 2 thời điểm này vàng đã tăng vượt ra khỏi yếu tố hỗ trợ thông thường khi các hoạt động đầu cơ gia tăng quá mức.

 

Nếu lịch sử quay trở lại thì giá vàng hiện đang ở trong giai đoạn cao nhất trong lịch sử và có thể rớt mạnh bất cứ lúc nào. Lịch sử luôn có giá trị của nó bởi thế tiếng nói của lịch sử cũng là một tiếng chuông cảnh báo cho vàng. Khi mà tất cả NĐT đều tin điều đó không thể xảy ra thì có thể tất cả đều sai như TTCK Việt Nam năm 2007, vàng năm 1980 và 2008.