Vàng SJC phá vỡ kỷ lục, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng

Vàng SJC phá vỡ kỷ lục, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi đi ngang trong phiên sáng, chiều ngày 6/3, giá vàng SJC đã tiếp tục tăng 200.000 đồng/lượng, xác lập mức giá cao kỷ lục mới, khi giá vàng thế giới leo lên đỉnh cao lịch sử mới.

Cụ thể, chiều ngày 6/3, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng nay, hiện niêm yết lần lượt ở mức 79,0 – 81,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tương tự, giá vàng SJC tại thị trường TP. HCM niêm yết ở mức 79,0 – 81,0 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu vẫn đứng nguyên ở vùng đỉnh mới được xác lập vào cuối ngày hôm qua, với giá mua vào – bán ra tương ứng là 67,43 – 68,63 triệu đồng/lượng.

Một trong những nhân tố hỗ trợ vàng trong nước từ việc giá vàng thế giới tăng mạnh và liên tục lên đỉnh cao mới. Sáng nay, giá vàng thế giới tạm đứng tại mốc 2.126 USD/ounce và giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York cũng leo lập kỷ lục mới tại mốc 2.141,9 USD/ounce.

Bên cạnh đó, thị trường vàng trong nước còn nhận được hỗ trợ bởi tỷ giá USD/VND đang tăng mạnh trên thị trường tự do. Tỷ giá chợ đen tại Hà Nội hiện đang mua vào khoảng 25.480 đồng/USD và bán ra là 25.620 đồng/USD; trong khi tỷ giá trung tâm hiện được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.012 đồng/USD.

Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức rất thấp 3-5%/năm cũng khiến một lượng tiền lớn đổ vào vàng.

Mới đây, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay và sớm trình sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp theo quy định tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, nhất là thị trường vàng miếng, thống nhất với Bộ Công an các giải pháp quản lý thị trường vàng trong quý I/2024 và sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Thị trường kỳ vọng sớm sửa Nghị định 24, xóa độc quyền vàng miếng, điều này sẽ giúp giá vàng trong nước bớt nóng. Tuy nhiên giới phân tích nhận định, việc sửa đổi Nghị định 24 cần nhiều thời gian, vì còn phải lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.

Tin bài liên quan