Giá vàng thế giới đi xuống trong thời gian qua, hiện xoay quanh mức 1.900 USD/ounce. Theo ông, đà giảm của giá vàng có tiếp diễn?
Giá vàng trong chiều hướng đi xuống một phần do lạm phát Mỹ dần được kiểm soát. Báo cáo do Cục Thống kê Lao động Mỹ mới công bố cho thấy, vào tháng 7/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn con số 3% của tháng 6, mức tăng CPI trong tháng 7 của Mỹ lại thấp hơn một chút so với dự báo 3,3% các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. So với tháng liền trước, CPI tháng 7 tăng 0,2%, phù hợp với ước tính của Dow Jones. Không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi cũng nhích 0,2% so với tháng trước, tương đương ước tính.
Nhìn chung, các dữ liệu mới nhất cho thấy dù đã tụt khỏi mức đỉnh hơn 40 năm, lạm phát của Mỹ vẫn đang cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra, khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ khó hạ lãi suất trong tương lai gần. Hầu hết nhà đầu tư kỳ vọng không có thay đổi nào từ Fed tại cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 9/2023.
Mặc dù giá vàng đang có chiều hướng giảm nhẹ, song khả năng từ nay đến cuối năm 2023 khó xuống dưới 1.900 USD/ounce. Lý do là căng thẳng giữa Nga – Ukaraine chưa lắng dịu và nếu kéo dài sẽ còn tác động lên giá vàng.
Ngoài căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, giá vàng còn có trợ lực nào để bứt phá trong những tháng còn lại của năm 2023?
Nhiều dự báo đưa ra, từ nay đến cuối năm, Fed sẽ không tăng lãi suất điều hành, vì hiện lãi suất USD của Mỹ đã ở mức cao (5%/năm) và lạm phát của nước này đang dần được kiểm soát.
Lạm phát của Mỹ đã đi đúng hướng, dù vẫn chưa xuống mức kỳ vọng. Nhưng điều nhà đầu tư lo ngại nhất là khi lạm phát giảm, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Kinh tế Mỹ thoái trào chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, vàng được các nhà đầu tư tìm đến như hầm trú ẩn an toàn cho tài sản.
Thông tin từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đưa ra, mãi lực vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới có chiều hướng giảm trong nửa đầu năm. Theo ông, xu hướng này liệu có tiếp diễn trong 2 quý còn lại của năm 2023 và điều này sẽ tác động ra sao tới giá vàng?
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. |
Mãi lực vàng của các ngân hàng trung ương là một trong những yếu tố chính tác động lên giá vàng thế giới. Nhu cầu vàng đạt mức kỷ lục của nhiều ngân hàng trung ương thế giới đã kiểm soát thị trường vàng trong năm vừa qua.
Theo số liệu của WGC, năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào 1.136 tấn vàng, cao hơn 2 lần so với mức 450 tấn mua vào trong năm 2021 và là mức cao kỷ lục trong vòng 55 năm qua. Chỉ riêng lượng vàng các ngân hàng trung ương mua trong quý IV/2022 đã đạt 417 tấn, nâng tổng lượng mua trong nửa cuối năm 2022 lên hơn 800 tấn.
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trong quý II/2023 đã giảm so với cùng kỳ cũng như ba quý trước đó, xuống còn 103 tấn, chủ yếu do hoạt động bán ròng tại Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, lũy kế nửa đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua 387 tấn vàng và nhu cầu với kim loại quý này vẫn có chiều hướng tích cực trong dài hạn.
Thêm vào đó, nhu cầu vàng cuối năm của thị trường trong các dịp lễ, Tết sẽ tăng. Đây là các yếu tố tác động lên giá vàng thời gian tới.
Ông dự báo giá vàng sẽ ở mức nào?
Nếu Fed dừng lộ trình tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine chưa lắng dịu, nhiều khả năng từ nay tới cuối năm, giá vàng sẽ tăng lên mức 2.000 - 2.100 USD/ounce.
Vì sao nhu cầu vàng trên thế giới và cả Việt Nam đều giảm, thưa ông?
Khảo sát về xu hướng nhu cầu vàng của WGC cho thấy, trong quý II, nhu cầu vàng (không bao gồm thị trường OTC) giảm 2% so với cùng kỳ 2022, xuống còn 921 tấn, song tổng nhu cầu (bao gồm thị trường OTC) vẫn tăng 7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thị trường vàng vẫn ổn định trên toàn cầu.
Nhu cầu vàng thỏi và xu vàng tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 277 tấn trong quý II/2023 và đạt 582 tấn trong nửa đầu năm 2023 nhờ sự tăng trưởng ở các thị trường trọng điểm, bao gồm Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, việc rút vốn ra khỏi quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng chạm mức 21 tấn trong quý II/2023 ít hơn đáng kể so với mức 47 tấn cùng kỳ năm 2022.
Tình hình tiêu thụ vàng trang sức vẫn ổn định, ngay cả khi giá vàng tăng cao, mang lại mức tăng 3% so với cùng kỳ trong quý II, đạt mức tổng tiêu thụ 951 tấn trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi và hoạt động mua hàng mạnh mẽ của người tiêu dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy sức tiêu thụ vàng trong quý II/2023.
Tại Việt Nam, nhu cầu của người tiêu dùng vàng trong quý II/2023 giảm 9%, từ 14 tấn vào quý II/2022 xuống còn 12,7 tấn. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5% so cùng kỳ năm ngoái, từ 9,6 tấn trong quý II/2022 xuống còn 9,1 tấn trong quý II/2023. Điều tương tự cũng xảy ra với mảng trang sức khi nhu cầu giảm từ 4,5 tấn trong quý II/2022 xuống còn 3,7 tấn vào quý II/2023, tương ứng mức giảm 18% so cùng kỳ.
Tiêu thụ vàng trong nước sụt giảm chủ yếu do kinh tế tăng trưởng yếu trong hai quý liên tiếp đã tác động đến tâm lý thị trường và nhu cầu tiêu thụ trang sức của người tiêu dùng. Nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng cũng bị hạn chế do tính thanh khoản thấp, chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản.
Vậy theo ông, có nên rót vốn vào vàng trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023?
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh, nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng vẫn tăng. Nhiều người vẫn chọn gửi tiết kiệm để sinh lời cho đồng vốn vì các kênh đầu tư khác như bất động sản và vàng… vẫn lình xình.
Tuy nhiên, kênh vàng vẫn được được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, bởi lợi tức thu về hàng năm khi giá vàng luôn giữ mức cao và đảm bảo giá trị đồng vốn. Thực tế, vàng luôn được xem là “hầm trú ẩn” an toàn cho nhà đầu tư trước bối cảnh lạm phát cao trong những năm qua và kinh tế thế giới phải đối mặt với suy thoái.
Giá vàng và tỷ giá thường tỷ lệ nghịch, khi giá vàng tăng thì tỷ giá USD giảm và ngược lại. Vì sao giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước lại đứng yên và tỷ giá ngoại hối có chiều hướng tăng thời gian gần đây?
Tỷ giá hối đoái tăng do nhu cầu điều chỉnh tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, chứ không phải ảnh hưởng từ tỷ giá USD trên thế giới.
Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng cao vào dịp cuối năm do thanh toán đơn hàng và nhu cầu nhập hàng cuối năm… nên có tác động lên tỷ giá. Song Ngân hàng Nhà nước có sự chuẩn bị nên đã bắt đầu mua vào trong những quý đầu năm và có thể bán ra cuối năm để ổn định tỷ giá. Tỷ giá tăng cao quá thì nhập khẩu bất lợi, nhưng nếu thấp quá thì xuất khẩu bất lợi, trong khi chúng ta đang ưu tiên cho xuất khẩu nhiều hơn.
Giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới cũng là một trong những yếu tố khiến cho vàng lậu vào thị trường nội địa, gây áp lực lên tỷ giá.