Tại thị trường trong nước, trước ảnh hưởng của thị trường quốc tế, giá vàng trong nước đã duy trì giao dịch ở mức thấp trong cả tuần qua.
Vàng SJC lúc đầu ngày niêm yết ở 34,68 – 34,74 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Mức giá này được giữ nguyên cho tới cuối ngày.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu không thay đổi mức giá so với ngày hôm qua, mua vào – bán ra ở mức 31,36 – 31,81 triệu đồng/lượng. Mức giá này được giữ nguyên cho tới cuối ngày.
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD tại thị trường ngân hàng không có thay đổi so với ngày hôm qua. Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 21.770 – 21.830 VND/USD (mua vào – bán ra), BIDV hiện cũng giao dịch ở mức này.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện mua vào – bán ra ở mức 21.800 – 21.820 VND/USD, giữ nguyên so với ngày hôm qua.
Trong phiên Mỹ đêm qua (12/3), vàng ngậm ngùi chấp nhận một phiên giảm giá đáng tiếc.
Trên sàn New York, giá vàng mở cửa ở 1.181,30 USD/ounce, ngay sau khi mở phiên, giá vàng tụt xuống mức đáy 1.177,40 USD/ounce, giảm 3,9 USD/ounce so với giá mở cửa. Về cuối phiên, giá phục hồi trở lại và chốt phiên ở 1.181,30 USD/ounce, thấp hơn giá đóng cửa phiên trước đó 0,7 USD/ounce.
Sang tuần mới, giá vàng được đánh giá là khó lòng chinh phục được mức kháng cự mới, chưa nói tới mốc 1.200 USD/ounce. Theo các khảo sát của Kitco và Main Street, các nhà đầu tư và các chuyên gia đều nhận định vàng sẽ tiếp tục đi xuống.
Theo khảo sát online của Kitco, 421 người tham gia, trong đó, 297 người, chiếm 71% nhìn nhận giá vàng tiếp tục xu hướng giảm trong ngắn hạn, 75 người, chiếm 18%, cho rằng vàng có thể hồi phục và 49 người, chiếm 12% giữ thái độ trung lập.
Theo kết quả khảo sát các chuyên gia, trong số 20 người trả lời, 12 người , chiếm 47% cho rằng vàng tiếp tục đi xuống, 5 người, chiếm 25% lạc quan với giá vàng tuần tới và 3 người, chiếm 15% trung lập.
Sang tuần mới, thông tin kinh tế quan trọng nhất có thể tác động mạnh mẽ tới giá vàng là cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở (FOMC) diễn ra vào ngày thứ tư (17/6). Các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư không chỉ muốn biết những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mà còn muốn biết những dự báo về tình hình kinh tế trong thời gian tới. Sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ có buổi họp báo.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, họ không kỳ vọng Fed sẽ cung cấp bất kỳ tín hiệu nào mới cho vấn đề tăng lãi suất. Nếu như vậy, đây sẽ là tin tốt cho giá vàng. Bart Melek, chiến lược gia trưởng tại TD Securities cho rằng, tính chất bất ổn của vàng có thể cao hơn vào ngày thứ Tư tới, khi Fed đưa ra dự báo thấp hơn cho tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như tương lai của tỷ giá.
Hiện tại, các thông tin từ Fed chỉ là một nửa của câu chuyện giá vàng, các chuyên gia trên thị trường này cũng đang hết sức quan tâm tới diễn biến đàm phán nợ của Hy Lạp. Cuộc đàm phán mới nhất đã đổ vỡ khi nhóm các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bỏ ra khỏi phòng họp trước khi buổi đàm phán kết thúc hôm thứ Năm (11/6).
Bernard Dahdah, chiến lược gia kim loại quý tại Natixis cho rằng, sự bất ổn của Hy Lạp sẽ dẫn tới nhu cầu vàng vật chất tăng lên, nhưng mức ảnh hưởng là không lớn và chủ yếu là lực mua trong nội địa Hy Lạp. “Hy Lạp chỉ là một thị trường nhỏ, ngay cả khi nhu cầu vàng vật chất tại đây tăng mạnh, tôi không nghĩ nó có thể ảnh hưởng tới giá vàng quốc tế”, Bernard cho biết.