Thừa miếng, thiếu nguyên liệu
Mở đầu phiên giao dịch tuần này (ngày 24/3), giá vàng giảm xuống dưới 36 triệu đồng/lượng, khoảng cách giá vàng trong nước vẫn giữ chênh lệch với giá vàng thế giới 2,5 triệu đồng/lượng và dù đang ở mức giá hấp dẫn, song lượng khách mua vào rất ít, trong khi lượng khách bán ra tăng gấp đôi.
Bà Trần Như My, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết: “Hiện giao dịch vàng trên thị trường khá ảm đạm, tại Doji, lượng mua vào cao gấp đôi so với lượng bán ra”.
Tại một số doanh nghiệp (DN) khác như Bảo Tín Minh Châu, SJC, PNJ… lượng vàng bán ra cũng khá èo uột.
Theo phân tích của đại diện Bảo Tín Minh Châu, giá vàng đang gặp áp lực khi các dữ liệu kinh tế mới được công bố của Mỹ có dấu hiệu lạc quan.
Ngoài tác động thiếu lạc quan của thị trường vàng thế giới, theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng Agribank, một nguyên nhân khiến giao dịch vàng trong nước ảm đạm là do kinh tế khó khăn.
Do giao dịch vàng miếng ế ẩm, các DN vàng đang trông cậy vào kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, kinh doanh nữ trang cũng đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguyên liệu.
“Tuy vàng miếng SJC chúng tôi mua vào nhiều hơn bán ra, song không thể lấy vàng miếng này để làm vàng nguyên liệu được vì giá đắt hơn 2,5 triệu đồng so với giá vàng thế giới, giá vàng trang sức bán lại rẻ nên nếu làm vậy, DN sẽ lỗ ngay. Hiện nay, nguyên liệu sản xuất vàng trang sức vẫn thiếu và phụ thuộc vào vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Rất mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm cho phép DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu về sản xuất để bớt khó khăn”, bà Trần Như My nói.
Cho phép nhập vàng nguyên liệu: Bao giờ?
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết, nguyên liệu sản xuất vàng mỹ nghệ có nhiều nguồn, một trong những nguồn quan trọng là tái chế trong nước. Trong nhiều năm, NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất hàng mỹ nghệ. Tuy vậy, trước đề xuất của DN, NHNN đang xem xét. Bởi, khi cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất hàng mỹ nghệ thì phải được sử dụng đúng mục đích. NHNN phải thiết kế cơ chế để thực hiện đúng điều này.
Dù đại diện NHNN đã hứa sẽ cấp phép, song nhiều DN cho rằng, quá trình “xem xét” của NHNN đã diễn ra quá lâu.
“Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu trang sức do nhân công rẻ, lao động khéo tay, nhưng nguyên liệu quá đắt, khiến DN mất lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, sản xuất vàng miếng đã bị cấm cửa, DN kinh doanh vàng chỉ còn cách kinh doanh vàng trang sức, tôi cho rằng, NHNN không nên gây khó dễ về nguyên liệu mà phải tạo điều kiện cho DN kinh doanh vàng trang sức, tạo công ăn việc làm cho người lao động”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Nhiều DN vàng khác cũng cho rằng, sự cẩn trọng của NHNN là… hơi thái quá, bởi đã có nhiều quy định đảm bảo DN sử dụng vàng nhập khẩu đúng mục đích. Cụ thể, sau mỗi đợt nhập khẩu nguyên liệu, DN đều phải chuyển hóa đơn, chứng từ, hợp đồng cho NHNN kiểm tra. Hơn nữa, lượng vàng nguyên liệu mà các DN đề nghị được nhập khẩu không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến biến động tỷ giá.
Theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, do không được nhập khẩu nguyên liệu, thời gian qua, các DN sản xuất vàng trang sức phải mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường với rất nhiều bất cập như: chất lượng không ổn định, khó tính toán được hiệu quả vì giá nguyên liệu biến động không ngừng, khó cạnh tranh với các hàng trang sức các nước khác.