>> Đề xuất lập sàn giao dịch quốc gia để 'cứu' thị trường vàng
>> “Dứt khoát xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”
Những biện pháp quyết liệt của Chính phủ sau một thời gian ngắn triển khai Nghị quyết 11 đang chứng minh hiệu quả trên thực tế, thị trường vàng và ngoại tệ có xu hướng ổn định hơn.
Mục tiêu phải đạt tới chính là sự ổn định trong dài hạn, do vậy yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan chức năng thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, tích cực sử dụng các biện pháp nhằm chống đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế là hết sức cần thiết.
Những biện pháp để cụ thể đang được vạch ra trong dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn tất. Điều được chờ đợi đó chính là làm thế nào quản lý được thị trường vàng nói chung, vàng miếng nói riêng để một mặt chống "vàng hóa" nền kinh tế, hạn chế tình trạng đầu cơ đẩy giá gây mất ổn định thị trường ngoại tệ, nhưng mặt khác phải đảm bảo quyền sở hữu, tích trữ, trao đổi vàng miếng của người dân.
Một số liệu được đưa ra tại Hội thảo khoa học của giới kinh doanh vàng và các ngân hàng ngày 15/3 tại Hà Nội cho thấy, trong số 18 triệu gia đình hiện nay, có đến một nửa sử dụng vàng như một công cụ tích trữ, phòng ngừa rủi ro.
Lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, trong đó có không ít doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng. Nhiều người cùng thống nhất quan điểm, cần thiết thành lập một trung tâm giao dịch vàng tập trung, hoạt động minh bạch, công khai và cho phép hoạt động xuất nhập khẩu để cân bằng giữa giá vàng trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh hiện nay, quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng là một trong nhiều giải pháp mà Chính phủ triển khai nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vấn đề là các quy định cụ thể sẽ như thế nào? Hiện tại, hệ thống văn bản pháp quy quản lý hoạt động kinh doanh vàng đến nay mới chỉ có Nghị định 174/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó vàng được coi là hàng hóa bình thường, không phải ngoại hối.
Hiện tại, các quy định cụ thể về cấm kinh doanh vàng miếng chưa được ban hành, song không ít người lo ngại, nếu các quy định này không đủ chặt chẽ sẽ dẫn đến những biến tướng khác trong kinh doanh vàng miếng. Chẳng hạn, khái niệm "vàng miếng" nên được định nghĩa thế nào. Do vàng cũng là nguyên liệu phổ biến để chế tạo đồ trang sức, được ưa chuộng rộng rãi, tính chất vật lý của vàng cũng rất dễ cho việc chế tạo, nên khả năng "vàng miếng" sẽ được chuyển thành "vàng khuyên", "vàng sợi", "vàng dây" hay thậm chí là "vàng bột" là hoàn toàn có thể. Khi đó, các dạng biến tướng của vàng này liệu có thể thoát khỏi vòng kiểm soát của pháp luật để được tự do giao dịch trên thị trường.
Dù có những lo ngại đó, nhưng nhiều người vẫn tin rằng, nếu hệ thống giao dịch vàng chính thức của NHNN hoạt động hợp lý, thuận tiện, tự nhiên sẽ thu hút được mọi người dân, tổ chức tham gia và thị trường vàng tự khắc đi vào quy củ.