Phố Wall có phiên giảm thứ 3 liên tiếp - Ảnh: Reuters

Phố Wall có phiên giảm thứ 3 liên tiếp - Ảnh: Reuters

Vàng, dầu và chứng khoán “rủ” nhau giảm điểm

(ĐTCK) Phố Wall có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp, vàng cũng quay đầu do áp lực chốt lời, trong khi đà rơi của giá dầu chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp trong ngày giao dịch thứ Ba do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vật liệu và năng lượng khi giá cả hàng hóa và giá dầu giảm mạnh.

Trong phiên này, giá đồng giảm xuống dưới 6.000 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi giá dầu cũng giảm xuống mức thấp nhất 6 năm trước khi hồi trở lại, hãm bớt đà giảm giá.

Việc giá cả giảm mạnh và mối lo kinh tế toàn cầu trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới những nhà đầu tư phố Wall.

Thị trường bắt đầu bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh và dường như việc giá cả hàng hóa giảm mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp. Theo dự báo của Thomson Reuters, thu nhập của các công ty năng lượng đang niêm yết sẽ giảm mạnh trong quý IV/2014, trong khi mức tăng thu nhập chung của các doanh nghiệp trong S&P 500 chỉ ở mức rất nhẹ.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, cổ phiếu xây dựng giảm 1,5% khi KB Home dự báo giảm lợi nhuận gộp trong quý I/2015. Thông tin này khiến cổ phiếu KB Home giảm tới 16,3%, xuống 13,87 USD/CP, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ năm 1992.

"Chúng tôi đang nhìn thấy giá cả hàng hóa tiếp tục đi xuống, không chỉ trong dầu. Điều này khiến làm gia tăng nỗi âu lo về giảm phát toàn cầu và nó là lý do dẫn tới những căng thẳng trên thị trường hiện nay", Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường tại Rockwell Global Capital ở New York nói.

Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Dow Jones giảm 27,16 điểm (-0,15%), xuống 17.613,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,23 điểm (-0,26%), xuống 2.023,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,21 điểm (-0,07%), xuống 4.661,50 điểm.

Trong khi phố Wall có 3 phiên giảm liên tiếp, thì chứng khoán châu Âu ghi nhận 2 phiên tăng mạnh trong tuần này. Việc chứng khoán châu Âu đi ngược với phố Wall bất chấp giá dầu giảm và nỗi lo giảm phát, cũng như khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp là do giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tung ra gói kích thích.

Liên minh canh tả Syriza đang chiếm ưu thế trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 25/1 tới đây tại Hy Lạp. Đây là phe chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng và cho biết sẽ đàm phán lại một số khoản nợ nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, giới đầu tư đánh giá, khả năng Hy Lạp tách khỏi khu vực đồng tiền chung là không cao, nên mối lo này tạm thời được bỏ qua.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cho rằng, giá dầu rẻ sẽ kích thích người dân tăng chi tiêu, qua đó đã rót tiền vào cổ phiếu ngành tiêu dùng, giúp nhóm ngành này tăng mạnh và hỗ trợ cho chứng khoán chung tăng điểm mạnh.

Kết thúc phiên 13/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 40,78 điểm (+0,63%), lên 6.542,20 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 159,10 (+1,63%), lên 9.941,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 62,04 điểm (+1,47%), lên 4.290,28 điểm.

Trên thị trường châu Á, việc giá dầu giảm và nỗi lo về kinh tế toàn cầu khiến giới đầu tư tìm đến các kênh an toàn, trong đó có đồng yên Nhật, giúp đồng tiền này tăng mạnh. Việc đồng yên tăng mạnh đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Nhật Bản, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm khá mạnh ngay khi giao dịch trở lại sau 1 ngày nghỉ. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết trên thị trường Thượng Hải thông qua kết nối liên thông với sàn Hồng Kông. Dù vậy, cả chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vẫn có được sắc xanh khi đóng cửa phiên thứ Ba.

Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định giảm lãi suất vào ngày 25/11/2014 đã giúp chứng khoán Trung Quốc có chuỗi ngày tăng điểm ấn thượng, lên mức cao nhất 5 năm và giúp thị trường nước này trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng tốt nhất năm 2014.

Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 110,02 điểm (-0,64%), xuống 17.087,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 189,51 điểm (+0,79%), lên 24.215,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 5,98 điểm (+0,19%), lên 3.235,30 điểm.

Trong khi đó, sau khi leo lên mức cao nhất 12 tuần trong phiên châu Á, giá vàng đã chịu áp lực chốt lời, nên quay đầu giảm trở lại. Tuy nhiên, đóng cửa trên thị trường Mỹ, giá vàng vẫn đứng ở mức cao nhất 11 tuần.

Kết thúc phiên 13/1, giá vàng giao ngay giảm 2,5 USD (-0,2%), xuống 1.230,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tăng 1,6 USD (+0,13%), lên 1.234,4 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm trong ngày thứ Ba và rơi xuống mức thấp nhất gần 6 năm. Một báo cáo mới công bố cho biết, OPEC vẫn quyết sẽ không cắt giảm sản lượng của mình. Ngoài ảnh hưởng từ nguồn cung, giá dầu còn chịu áp lực từ việc đồng USD tăng mạnh. Việc giá dầu giảm tạo ra niềm vui cho người tiêu dùng, nhưng lại tao ra sự lo lắng chung cho kinh tế toàn cầu và sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác, nhất là áp lực giảm phát. Lạm phát tại Anh trong tháng 12 chỉ còn 0,5% so với mức 1% trong tháng 11, trong khi đó, chỉ số giá của Hy Lạp lại giảm 2,6% so với năm trước.

Kết thúc phiên 13/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,18 USD/thùng (-0,39%), xuống 45,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,84 USD (-1,80%), xuống 46,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan