Kết quả kinh doanh của đại gia công nghệ Apple khiến thất vọng khiến nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục giảm mạnh và kéo phố Wall có phiên giảm thứ 2 liên tiếp.
Cổ phiếu Apple tiếp tục giảm 4,3% một ngày sau khi đưa ra dự báo kết quả kinh doanh quý IV giảm dưới mức mong đợi, mức giảm phần trăm nhiều nhất kể từ tháng 1/2014.
Cổ phiếu Mircosoft cũng giảm 3,7%, cổ phiếu Yahoo tiếp tục mất 1,2%.
Trong số các công ty 102 đã có báo cáo tính đến sáng thứ Tư, 70% có lợi nhuận đúng kỳ vọng, tương đương với mức trung bình của 4 quý gần nhất và cao hơn mức trung bình 63% tính từ năm 1994.
Tuy nhiên, chỉ có 55% vượt dự báo doanh thu, dưới mức trung bình 61% mức trung bình từ năm 2002. Các công ty Mỹ được dự kiến sẽ có mức suy giảm doanh số tồi tệ nhất trong gần 6 năm trong quý II, một phần là do đồng USD tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ ở nước ngoài.
Kết thúc phiên 22/7, chỉ số Dow Jones giảm 68,25 điểm (-0,38%), xuống 17.851,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,06 điểm (-0,24%), xuống 2.114,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 36,35 điểm (-0,70%), xuống 5.171,77 điểm.
Cũng như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư do nhóm cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu của nhà sản xuất chip Đức, Dialog Semiconductor, một công ty có quan hệ với Apple, giảm 5,2%.
Kết thúc phiên 22/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 101,73 (-1,50%), xuống 6.667,34 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 84,13 điểm (-0,72%), xuống 11.520,67 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 24 điểm (-0,47%), xuống 5.082,57 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp vào thứ Tư do ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ trước đó bởi kết quả kinh doanh thất vọng của nhóm cổ phiếu công nghệ, nhất là Apple. Cũng như châu Âu, đại gia công nghệ Mỹ cũng có mối quan hệ làm ăn với nhiều tập đoàn công nghệ của Nhật Bản, nên các doanh nghiệp này khó tránh khỏi liên lụy.
Ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ và từ thị trường bên ngoài cũng khiến chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục lại thoát hiểm trong những phút cuối dù có lúc giảm hơn 1%.
Kết thúc phiên 22/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 248,3 điểm (-1,19%), xuống 20.593,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 253,81 điểm (-0,99%), xuống 25.282,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 8,37 điểm (+0,21%), lên 4.026,04 điểm.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất 5 năm khi đồng USD hồi phục trở lại, cùng nỗi lo đeo đẳng về khả nằng Fed tăng lãi suất trong tháng 9.
SPDR Gold Shares, quỹ đầu tư ủy thác vàng lớn nhất thế giới tiếp tục giảm lượng nắm giữ trong ngày thứ 4 liên tiếp trong phiên thứ Ba với mức 4,8 tấn, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Kể từ mức kỷ lục 2012, hiện lượng nắm giữ của quỹ này đã giảm gần một nửa.
Kết thúc phiên 22/7, giá vàng giao ngay giảm 7 USD (-0,64%), xuống 1.094,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 12 USD/ounce (-1,09%), xuống 1.091,5 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, theo thông tin mới công bố của Cơ quan Quản lý năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tần trước tăng 2,5 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với mức dự báo giảm 2,3 triệu thùng được đưa ra trước đó của giới phân tích.
Thông tin này, cùng với việc đồng USD hồi phục trở lại đã khiến giá dầu thô giảm mạnh, trong đó giá dầu thô Mỹ giảm xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 22/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,67 USD/thùng (-3,40%), xuống 49,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,91 USD (-1,62%), xuống 56,13 USD/thùng.