Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại công bố, doanh số bán nhà mới đã giảm 0,2%, xuống 481.000 đơn vị trong tháng 1/2015, trong khi doanh số bán nhà tháng 12/2014 được điều chỉnh lên mức 482.000 đơn vị, từ mức 481.000 đơn vị như ban đầu, mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Doanh số bán nhà giảm có thể do cơn bão tuyết ở Đông Bắc của Mỹ, nơi doanh số bán hàng hóa được ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2012.
Trước đó, các nhà kinh tế dự báo, doanh số bán nhà mới, chiếm khoảng 9,1% của thị trường nhà đất sẽ rơi xuống 470.000 đơn vị vào tháng 1, tức giảm khoảng 2,5% so với tháng trước, nhưng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong một báo cáo khác, Hiệp hội Ngân hàng thế chấp cho biết, các yêu cầu vay vốn để mua nhà, một chỉ số hàng đầu về doanh số bán nhà, tăng 4,6% tuần trước, tuần tăng lần đầu tiên trong sáu tuần.
Có nhiều lý do để lạc quan về nhà ở. Thị trường lao động đang cho thấy sự phát triển tốt, tiền lương cũng tăng lên, do đó triển vọng của lĩnh vực nhà ở cũng được nâng lên.
Trở lại với thị trường chứng khoán, sau phiên tăng mạnh và thiết lập kỷ lục trong ngày thứ Ba sau phiên điều trần của Chủ tịch Fed trước Thượng viện Mỹ, chứng khoán Mỹ đã có sự trái chiều trong phiên thứ Tư. Trong khi chỉ số Nasdaq chấm dứt chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp do cổ phiếu Apple bị chốt lời, chỉ số S&P 500 cũng thoái lùi từ mức cao kỷ lục, thì nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng, tiêu dùng, Dow Jones tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, dù mức tăng rất khiêm tốn.
Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Dow Jones tăng 15,38 điểm (+0,08%), lên 18.224,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,62 điểm (-0,08%), xuống 2.113,86 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,98 điểm (-0,02%), xuống 4.967,14 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh yếu kém của các tập đoàn lớn đã chấm dứt mạch tăng của chứng khoán khu vực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường chứng khoán châu Âu vẫn lạc quan khi giới đầu tư mong đợi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mở rộng gói kích thích kinh tế bắt đầu tư tháng tới.
Kết thúc phiên 25/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 14,25 điểm (-0,21%), xuống 6.935,38 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 4,53 điểm (+0,04%), lên 11.210,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,22 điểm (-0,09%), xuống 4.882,22 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trong ngày thứ Tư khi giới đầu tư trở nên thận trọng do thị trường đã có dấu hiệu quá mua. Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt nhờ thông tin từ phiên điều trần của Chủ tịch Fed rằng, cơ quan này sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và có thể sẽ không tăng lãi suất trước tháng 6.
Theo dữ liệu chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất do HSBC và Markit vừa công bố, hoạt động trong khu vực nhà máy của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 4 tháng trong tháng 2 với chỉ số PMI tăng từ 49,7 trong tháng 1 lên 50,1 trong tháng 2, nhưng đơn hàng xuất khẩu lại giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 20 tháng.
Thông tin trên khiến chứng khoán Hồng Kồng đánh mất hết số điểm tăng trước đó và đóng cửa gần như không thay đổi so với mức đóng cửa phiên trước. Trong khi chứng khoán Trung Quốc cũng giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Nikkei 225 giảm 18,28 điểm (-0,1%), xuống 18.585,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 28,21 điểm (+0,11%), lên 24.778,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 18,06 điểm (-0,56%), xuống 3.228,84 điểm.
Giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư nhờ nhận các thông tin hỗ trợ bên ngoài. Việc đồng USD giảm giá, trong khi giá dầu thô tăng mạnh trở lại là những thông tin hỗ trợ giúp giá kim loại quý này hồi phục. Ngoài ra, việc giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần trong phiên thứ Ba đã kích thích lực cầu bắt đáy. Bên cạnh đó, một số thị trường châu Á trở lại sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài cũng hỗ trợ cho thị trường vàng.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc và đề phòng khả năng tăng lãi suất của Fed khiến giá vàng không thể tăng mạnh.
Kết thúc phiên 25/2, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD (+0,24%), lên 1.204,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 4,2 USD/ounce (+0,35%), lên 1.201,5 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Tư sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Saudi cho biết, nhu cầu dầu mỏ đã tăng lên và dữ liệu tích cực từ các nhà máy của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Kết thúc phiên 25/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,71 USD/thùng (+3,35%), lên 50,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,97 USD (+4,82%), lên 61,63 USD/thùng.