Cổ phiếu năng lượng, cùng nhiều nhóm cổ phiếu khác giúp Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới - Ảnh: Reuters

Cổ phiếu năng lượng, cùng nhiều nhóm cổ phiếu khác giúp Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới - Ảnh: Reuters

Vàng, dầu giảm mạnh trở lại, cổ phiếu năng lượng vẫn tăng

(ĐTCK) Bất chấp giá dầu thô giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch thứ Ba, nhưng cổ phiếu năng lượng lại tăng mạnh, góp phần giúp phố Wall thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Trong khi đó, giá vàng cũng theo chân dầu thô đảo chiều giảm trở lại.

Phố Wall đã có sự trở lại mạnh mẽ trong phiên giao dịch thứ Ba (2/12). Trong 10 nhóm chỉ số của S&P, có tới 9 chỉ số tăng giá, chỉ duy nhất chỉ số viễn thông giảm. Chỉ số S&P năng lượng tăng 1,3% bất chấp giá dầu thô giảm trở lại trên dưới 3% trong phiên.

Giới phân tích đánh giá, nhà đầu tư đang nhìn thấy, giá của nhiều loại hàng hóa đã tới đáy và hoạt động bắt đáy sẽ diễn ra, kéo giá các hàng hóa này tăng giá, qua đó sẽ có tác động tới giá cổ phiếu của nhóm ngành này.

Trong một diễn biến khác, trong khi nhiều ý kiến lo ngại về việc giá dầu giảm sẽ gây áp lực giảm phát lên một số nền kinh tế, thì cả Chủ tịch, cũng như Phó chủ tịch FED bang New York đều hoan ngênh việc giá dầu giảm và đánh giá đây là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ. Cả 2 đều có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chính những thông tin và nhận định trên đã giúp phố Wall hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba với việc chỉ số Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Dow Jones tăng 102,75 điểm (+0,58%), lên 17.879,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,11 điểm (+1,64%), lên 2.066,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,46 điểm (+0,60%), lên 4.755,81 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm trở lại trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng khi lực cầu bắt đáy nhóm này gia tăng với dự đoán của giới đầu tư rằng, giá dầu sẽ hồi trở lại. Tuy nhiên, chứng khoán Đức tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi bị ảnh hưởng của việc sụt giảm tới 17,4% của cổ phiếu công ty năng lượng mặt trời SMA Solar sau khi cắt giảm triển vọng kinh doanh năm 2014.

Trong một thông tin khác, theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số giá sản xuất Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 0,4% trong tháng 10 và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này càng làm gia tăng thêm về khả năng giảm phát của nền kinh tế châu Âu và giới đầu tư lại hướng vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với kỳ vọng cơ quan này sẽ tiếp tục đưa ra gói kích thích kinh tế càng sớm càng tốt. ECB tổ chức cuộc họp định kỳ hàng tháng vào ngày Thứ năm.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 85,73 điểm (+1,29%), lên 6.472,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 29,43 điểm (-0,30%), xuống 9.934,08 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 10,97 điểm (-0,25%), lên 4.388,30 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù mở cửa với sắc đỏ sau khi bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm, nhưng chứng khoán Nhật Bản sau đó đã dần hồi phục và đóng cửa ở mức cao nhất 7 năm trong phiên thứ Ba sau khi nhà đầu tư dự đoán, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tiến hành mua vào cổ phiếu.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã hồi lại sau phiên giảm mạnh trước đó do lo ngại cuộc biểu tình đòi dân chủ, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua khi giới đầu tư dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 73,12 điểm (+0,42%), lên 17.663,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 286,85 điểm (+1,23%), lên 23.654,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 83,39 điểm (+3,11%), lên 2.763,54 điểm.

Giá vàng vẫn đang chịu nhiều thông tin tác động từ bên ngoài. Sau khi tăng mạnh trong phiên đầu tuần, giá vàng đã giảm trở lại trong phiên thứ Ba khi giá dầu thô giảm mạnh trở lại do áp lực chốt lời. Trong khi đó, đồng USD cũng tăng mạnh trở lại sau khi giảm trong phiên đầu tuần do dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan.

Kết thúc phiên 2/12, giá vàng giao ngay giảm 14,3 USD (-1,18%), xuống 1.198,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 18,7 USD/ounce (-1,54%), xuống 1.199,4 USD/ounce.

Sau khi có phiên hồi phục trong phiên đầu tuần với mức tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2012, giá dầu thô lại đảo chiều giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Ba dưới áp lực bán lớn.

Kết thúc phiên 2/12, giá dầu thô Mỹ giảm 2,12 USD/thùng (-3,17%), xuống 66,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,00 USD (-2,84%), xuống 70,54 USD/thùng.

Tuy nhiên, sau khi Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố số liệu cho thấy các kho dự trữ dầu thô Mỹ giảm 6,5 triệu thùng trong tuần trước, giá dầu thô trên thị trường châu Á sáng nay đã tăng trở lại.

Trong một diễn biến khác, cựu Giám đốc cơ quan tình báo Ả Rập Saudi Turki bin Faisal cho biết hôm thứ Ba rằng, Ả rập sẽ chỉ xem xét cắt giảm sản lượng khi các nước khác, gồm cả những nước phi OPEC như Nga, Mexico cùng tham gia trong giới hạn.

Tin bài liên quan