Vàng đã được coi là “mầm họa”

Vàng đã được coi là “mầm họa”

Ổn định thị trường vàng, ngoại tệ không chỉ cần những lời khuyến cáo, trấn an kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNH), mà còn cần giải pháp thiết thực là tung vàng đấu thầu ra thị trường một cách kịp thời. Đồng thời, cơ quan chức năng phải ra tay mạnh mẽ, xử lý nghiêm những kẻ đầu cơ, làm giá, tung tin đồn thất thiệt.

Hai tuần qua, giá vàng, ngoại tệ liên tục tăng cao. Đây là phản ứng tâm lý dễ hiểu của thị trường, khi tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng. Trên thế giới, vàng, ngoại tệ cũng thường xuyên bị tác động mạnh bởi những biến động về kinh tế, chính trị của các nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong khi giá vàng thế giới hầu như đi ngang, thậm chí còn giảm, thì giá vàng trong nước liên tục tăng vọt, cao hơn giá thế giới 4 triệu đồng/lượng, thì dấu hiệu đầu cơ, làm giá đã lộ rõ. “Mầm họa” từ vàng cũng trở nên rất đáng lo.

Diễn biến của giá vàng không chỉ gây bất ổn cho riêng thị trường này, mà còn tác động bất lợi tới thị trường ngoại tệ.      

Bằng chứng là, suốt hai tuần qua, tỷ giá cũng nhiều lần dậy sóng, giá USD chợ đen có lúc lên tới 21.300 đồng/USD, mức cao nhất trong vòng gần 1 năm qua.               

Cùng với tâm lý lo lắng của người dân, trên thị trường đã xuất hiện những thông tin về kinh tế xấu đi, vàng khan hiếm… khiến nhiều người lo lắng mua vào theo tâm lý đám đông. Mải mê và lo lắng nhìn giá vàng liên tục tăng cao, nhiều người đã không nhận thấy rằng, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đang bán ra để thu lợi.

Cũng vì lo lắng thái quá, nhiều người dân đã không còn tỉnh táo để nhìn ra những rủi ro khi lao vào vàng, USD theo tâm lý đám đông.

Thứ nhất, giá vàng trong nước đã bị đẩy lên quá cao so với giá vàng thế giới. Với mức chênh lệch này, chưa tính tới khả năng giá vàng thế giới giảm mạnh, chỉ cần NHNN tung vàng đấu thầu ra thị trường, giá vàng sẽ bị kéo lùi. Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ là giải quyết vấn đề biển Đông bằng các giải pháp hòa bình, vì thế, những lo lắng của thị trường là thái quá.

Thứ hai, về ngoại tệ, hiện dự trữ ngoại tệ của NHNN đang ở mức kỷ lục (hơn 35 tỷ USD) và những tháng gần đây, nền kinh tế liên tục xuất siêu. NHNN cũng nhiều lần khẳng định sẽ giữ biên độ tỷ giá năm nay biến động không quá 1-2%, đồng thời, cam kết sẽ bán ra ngoại tệ để ổn định tỷ giá, nếu có “sóng” trên thị trường.

Với quyết tâm chống đô la hóa nền kinh tế, chắc chắn, NHNN sẽ không để đồng USD “làm mưa, làm gió” trở lại trên thị trường, phá vỡ thành tích to lớn đã đạt được mấy năm qua.

Hơn nữa, đầu tư vào vàng , ngoại tệ cũng không phải là quyết định khôn ngoan trong bối cảnh hiện nay, khi chứng khoán, bất động sản đang ấm dần lên. Chỉ tính riêng trong tuần này, những người trót lao vào mua vàng, ngoại tệ đã hứng chịu một khoản lỗ không nhỏ.  

Tuy cơn sốt vàng, USD đã lắng lại trước những thông tin kịp thời của NHNN, song vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Để những cơn sốt vàng, ngoại tệ theo tâm lý không còn xảy ra, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra và xử lý nghiêm những kẻ tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, làm giá.

Bên cạnh đó, dù giá vàng giảm, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang ở mức 3-4 triệu đồng/lượng. Vì vậy, NHNN cần nhanh chóng tổ chức thêm các phiên đấu thầu vàng. Trên thực tế, nửa năm nay, dù NHNN không đấu thầu, lượng vàng trên thị trường vẫn không khan hiếm. Tuy nhiên, việc NHNN tổ chức đấu thầu tại hời điểm này sẽ là “liệu pháp tâm lý” khiến giá vàng hạ nhiệt.

Một khi giá vàng giảm, tỷ giá cũng sẽ giảm theo mà không cần tung ngoại tệ bán ra thị trường. 

Tin bài liên quan