Giá vàng tăng liên tục trong thời gian qua, theo ông, nguyên nhân do đâu? Liệu giá vàng có còn tăng mạnh trong thời gian tới?
Có hai lý do chính khiến giá vàng tăng. Một là, tác động từ việc giảm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa qua và kỳ vọng sẽ giảm thêm lãi suất cũng ở mức này trong cuộc họp vào tháng 9 đã ảnh hưởng tới sức mạnh của đồng bạc xanh, từ đó tác động tích cực lên giá vàng. Lâu nay, giá vàng và USD thường đi ngược chiều nhau, khi USD tăng giá thì vàng sẽ chịu tác động tiêu cực và ngược lại. Do vậy, nếu Fed giảm thêm lãi suất thì USD càng mất giá và khi đó, vàng sẽ lại có cơ hội để tăng tiếp.
Hai là, thương chiến Mỹ - Trung leo thang, cộng thêm tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều bất ổn như xung đột ở Iran, biểu tình ở Hồng Kông (Trung Quốc)… đang khiến kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái và vàng sẽ được tìm đến như là nơi trú ẩn an toàn. Khi nhu cầu tăng thì giá vàng ắt sẽ tăng theo.
Giá vàng thế giới hiện ở quanh mức 1.500 USD/ounce, tăng khá mạnh so với hồi đầu năm. Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng giao ngay tăng trên 1%. Trong khi đó, giá vàng tại Mỹ giao kỳ hạn khép lại phiên cuối tuần qua giảm 0,5% xuống 1.523,6 USD/ounce.
Sau thời gian tăng giá mạnh vừa qua, một số nhà phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, cần thận trọng với khả năng tăng giá trong dài hạn bởi kim loại quý này đang kiểm nghiệm lại “sức đề kháng”. Các dự báo đưa ra, vàng có thể giảm về mức 1.480 USD/ounce, trước khi tăng trở lại mức 1.575 USD/ounce.
Theo khảo sát của Phố Wall đối với các chuyên gia lĩnh vực vàng hàng đầu, thì cứ 10 người (tương ứng 59%) nhận định vàng sẽ tăng, có 3 người (18%) dự báo sẽ giảm và 4 người (23%) cho rằng sẽ đi ngang. Trong 2 tuần trước đó, tỷ lệ chuyên gia dự báo vàng tăng giá lần lượt là 70% và 90%. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, giá mặt hàng kim loại quý này sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 1.500 - 1.550 USD/ounce thời gian tới.
Số liệu từ WGC cho thấy, mãi lực vàng ở nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mạnh nửa đầu năm nay. Ông nhìn nhận gì về điều này? Theo ông, cầu vàng của các ngân hàng trung ương có còn tăng?
Theo dữ liệu mới nhất từ WGC, nhiều ngân hàng trung ương đang tập trung thu gom vàng khi mua tổng cộng 224 tấn vàng trong quý II/2019. Trữ lượng vàng chính thức tại các ngân hàng trung ương đã tăng 374,1 tấn trong nửa đầu năm 2019.
Ông Huỳnh Trung Khánh
Theo báo cáo của WGC, nhu cầu vàng toàn cầu đạt 1.123 tấn trong quý II/2019, tăng 8% so với cùng kỳ 2019. Trong nửa đầu năm 2019, nhu cầu vàng vật chất tăng 2.182 tấn, mức cao nhất trong 3 năm qua. Ðiều này phần lớn đến từ sức cầu tăng mạnh tại các thị trường lớn như Ấn Ðộ, Trung Quốc. Các quỹ ETF cũng đã mua vào 67,2 tấn trong quý II/2019, tăng 99% so với cùng kỳ 2018. Kết thúc quý II/2019, tổng lượng vàng nắm giữ tại các quỹ này lên tới 2.548 tấn, mức cao nhất trong 6 năm qua.
Giới phân tích cho biết, sự bất ổn về địa chính trị, chiến tranh thương mại và bình luận chính sách tiền tệ ôn hòa của các ngân hàng thương mại, cũng như giá vàng tăng mạnh là một trong những yếu tố chính thúc đẩy các nhà đầu tư tăng tỷ lệ nắm giữ vàng trong danh mục của mình.
Cũng theo WGC, hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường vàng đến từ giới đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ. Trong đó, các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ chiếm 75% trong tổng số lượng giao dịch vàng toàn cầu trong quý II/2019.
Có thể thấy, cầu vàng tăng thời gian qua chủ yếu do các ngân hàng trung ương thế giới đẩy mạnh việc mua vào, trong đó có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Tuy nhiên, PBoC nhiều khả năng sẽ hạn chế mua vàng trong thời gian tới bởi không muốn chi quá nhiều USD cho hoạt động này nhằm giảm tình trạng “chảy máu” ngoại tệ, cũng như góp phần hỗ trợ cho đồng nội tệ vốn đang chịu sức ép từ cuộc thương chiến
Mỹ - Trung.
Thực tế, trong 6 tháng qua, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 575 tấn vàng, giảm gần 35% so với cùng kỳ năm 2018. Ðiều này khiến các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu vàng vật chất sẽ giảm mạnh. Năm ngoái, PBoC nhập khẩu khoảng 1.800 tấn vàng, năm nay chỉ dự tính nhập khoảng phân nửa mức này.
Trong bối cảnh giá vàng còn dư địa tăng, việc rót vốn lúc này có là lựa chọn khôn ngoan?
Trên thế giới, nhà đầu tư vẫn xem vàng là hầm trú ẩn an toàn mỗi khi kinh tế toàn cầu có biến động. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vàng dường như không quá sốt nóng. Một phần do Nghị định 24/2012/NÐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tác động đến việc kinh doanh vàng tại Việt Nam, nên hoạt động xuất nhập khẩu vàng không còn dễ dàng như trước. Mặt khác, do giá vàng trong nước vốn không theo kịp giá vàng thế giới, nên thường diễn biến trồi sụt mỗi khi thị trường vàng thế giới biến động.
Dẫu vậy, theo quy luật cung - cầu, nơi nào có giá vàng cao thì sẽ thu hút vàng chảy về nơi đó, nên việc xuất khẩu vàng ra bên ngoài nếu có cũng là điều dễ hiểu. Còn với nhà đầu tư, thời gian qua, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản đã tăng thu hút nguồn tiền nhàn rỗi, trong khi sóng vàng không còn sốt như trước nên cũng không được chú ý nhiều.
Cơ hội có lợi nhuận cao chỉ đến với những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp.
Thế nhưng, trước xu hướng tăng của giá vàng hiện nay, nhiều người bắt đầu chú ý và quay lại với vàng. Một số người tỏ ra tiếc nuối khi không bỏ vốn vào vàng từ đầu năm. Vì thế, khả năng thời gian tới, nhà đầu tư cũng sẽ phân bổ một phần vốn vào vàng. Tuy nhiên, cơ hội có lợi nhuận cao sẽ chỉ đến với những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thời điểm giá vàng biến động bất thường như hiện nay không thích hợp để “lướt sóng” vì rủi ro đi kèm là lớn.
Thông thường, quý cuối năm trước và quý đầu năm sau là thời điểm vàng thường tăng giá do nhu cầu mua vàng vật chất để chế tác nữ trang tăng cao vào những ngày lễ lớn. Ấn Ðộ là một trong những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhưng mức thuế nhập khẩu vàng cao (10%) tại đây là rào cản đối với doanh nghiệp cung cấp.
Thời gian gần đây, việc tái huy động nguồn vàng trong dân đã được nhắc tới. Theo ông, Việt Nam có nên khơi thông nguồn lực này?
Một trong những chính sách quan trọng của Việt Nam là xử lý triệt để tình trạng “đô-la hóa” nền kinh tế, nên theo tôi, việc tái huy động vàng trong dân là một giải pháp cần lưu ý.
Tuy nhiên, quan điểm của các cơ quan đầu ngành hiện chưa nhất quán về việc tái huy động vàng trong dân. Bởi nếu huy động thì người dân sẽ đổ xô mua vàng để tích trữ và tình trạng “vàng hóa” sẽ lại tái diễn.
Thực tế, để chống tình trạng đô-la hóa, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng lãi suất huy động USD bằng 0% trong vài năm qua và sẽ còn duy trì mức lãi suất này thời gian tới. Do đó, tôi cho rằng, khả năng tái huy động nguồn vàng trong dân là không cao.