Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư thận trọng trước mùa công bố lợi nhuận. Giá dầu giảm, cùng đồng USD tăng mạnh được dự báo sẽ khiến lợi nhuận nhiều công ty sụt giảm trong quý đầu tiên của năm 2015.
Ngoài ra, phố Wall phiên đầu tuần còn bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu GE khi giảm 3% sau khi tăng 10,8% trong phiên cuối tuần nhờ thông tin tái cấu trúc GE Capital và mua lại cổ phiếu.
Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Dow Jones giảm 80,61 điểm (-0,45%), xuống 17.977,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,63 điểm (-0,46%), xuống 2.092,43 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,73 điểm (-0,15%), xuống 4.988,25 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù có phiên giao dịch sáng khá tích cực, nhưng sau khi dữ liệu xuất nhập khẩu kém khả quan của Trung Quốc được công bố, các thị trường chứng khoán chính của khu vực đảo chiều giảm điểm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 15%, trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 12,7%, mức mạnh nhất từ 2009. Trong đó, chứng khoán Anh và Đức đóng cửa trong sắc đỏ, còn chứng khoán Pháp chỉ còn giữ được sắc xanh nhẹ.
Kết thúc phiên 13/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,47 điểm (-0,36%), xuống 7.064,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 36 điểm (-0,29%), xuống 12.338,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,66 điểm (+0,26%), lên 5.254,12 điểm.
Trong khi dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán châu Âu thông qua các công ty khai thác mỏ và công ty ty xuất khẩu, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục và chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh, lên mức cao nhất 7 năm. Chứng khoán Hồng Kông có chuỗi tăng mạnh hơn 2% liên tục trong nhiều ngày do giới đầu tư kỳ vọng vào dòng tiền sẽ được nới lỏng từ Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản gần như không biến động trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,17 điểm (-0,01%), xuống 19.905,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 743,95 điểm (+2,73%), lên 28.016,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 87,40 điểm (+2,17%), lên 4.121,71 điểm.
Việc chỉ số USD-Index tăng 0,1%, lên mức 99,99, cao nhất 4 tuần đã gây áp lực lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 13/4, giá vàng giao ngay giảm 9,3 USD (-0,77%), xuống 1.198 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 8,5 USD/ounce (-0,7%), xuống 1.199,3 USD/ounce.
Lo ngại về cuộc đàm phán vấn đề hạt nhận của Iran, cùng xung đột tại Yemen giúp giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, lo ngại về dư thừa nguồn cung và dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu kém khiến giá đầu chỉnh trở lại vào cuối phiên, chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 13/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,27 USD/thùng (+0,52%), lên 51,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,10%), lên 57,93 USD/thùng.