Vàng chờ “luồng gió mới”

Vàng chờ “luồng gió mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để tăng cung cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng với khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia.

Kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất cao

Nhìn lại thị trường vàng Việt Nam trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có nhiều bất ổn.

Thứ nhất, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế rất trầm trọng với việc vàng miếng dần trở thành thước đo giá trị, công cụ tích trữ giá trị phổ biến và phương tiện vay mượn, thanh toán;

Thứ hai, biến động mạnh của giá vàng gây ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và tỷ giá, đẩy mặt bằng giá hàng hóa nhập khẩu lên cao, gây áp lực lạm phát và khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát an toàn vĩ mô;

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước khó có thể kiểm soát thị trường vàng khi có quá nhiều đơn vị sản xuất và kinh doanh vàng miếng;

Thứ tư, hiện tượng nhập lậu vàng trở nên phổ biến với ước tính lượng vàng nhập lậu hàng năm trong giai đoạn 2007-2011 ở mức cao nhất khoảng 40-60 tấn.

Nhận định được các vấn đề, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012 hướng đến mục tiêu: Tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.

“Không thể phủ nhận Nghị định 24/2012 đã góp phần thay đổi nhận thức, văn hóa, thói quen của người dân về vàng, không còn coi vàng là phương tiện đầu cơ cũng như thanh toán”, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế nhận định.

Trên thực tế, sau 12 năm triển khai Nghị định 24/2012, đến nay, thị trường vàng cơ bản đã đạt được các kết quả tích cực, đáp ứng các mục tiêu đề ra. Cung - cầu vàng miếng tương đối cân bằng, nhu cầu mua bán vàng miếng trên thị trường giảm đáng kể, giải quyết được tình trạng “vàng hóa” khi quan hệ huy động - cho vay bằng vàng chuyển sang quan hệ mua - bán. Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, việc đấu thầu vàng đã triển khai 11 năm qua góp phần không nhỏ trong việc ổn định thị trường vàng.

Được biết, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC đắt hơn vàng thế giới khoảng 4-5 triệu đồng/lượng. Còn hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng tăng phi mã, trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất cao. Minh chứng là chỉ trong gần 4 tháng, giá vàng thế giới đã tăng tới 16%, còn giá vàng nhẫn trong nước tăng 25% so thời điểm cuối năm 2023. Vàng miếng SJC có thời điểm đạt mức giá 85,5 triệu đồng/lượng – cao nhất từ trước tới nay, trong khi vàng nhẫn SJC đạt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng, kéo theo hiện tượng khan hàng, thậm chí “cháy hàng”…

Để tăng cung cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng. Hiện có 26 đơn vị, bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng, thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Ngân hàng Nhà nước cho vận hành hoạt động nghiệp vụ đấu thầu vàng trở lại để cơ bản tăng tính công khai, minh bạch, tăng nguồn cung vàng, qua đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhất là thương hiệu vàng SJC.

Xung quanh vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực nhận định, Ngân hàng Nhà nước cho vận hành hoạt động nghiệp vụ đấu thầu vàng trở lại để cơ bản tăng tính công khai, minh bạch, tăng nguồn cung vàng, qua đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhất là thương hiệu vàng SJC.

Trước câu hỏi, không có thông tin từ nhà điều hành về việc nhập khẩu vàng thời gian qua, ông Lực cho rằng, đâu đó vẫn phải nhập khẩu lượng nhất định vì không có nguồn vàng nhiều ở trong nước.

“Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải tính toán nhập bao nhiêu vàng và thời điểm nhập để vừa đảm bảo quan hệ cung - cầu, vừa kiểm soát dự trữ ngoại hối, qua đó góp phần ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô”, ông Lực nói, đồng thời cho biết thêm, 2013 là năm thị trường vàng rất nóng đối với kinh tế Việt Nam và Nghị định 24/2012 ra đời và hoàn thành sứ mệnh. Tuy nhiên, quan hệ cung - cầu chưa cân bằng và cần thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới, đồng thời cần lưu ý thời gian vàng tăng mạnh chủ yếu là do vàng thế giới dưới tác động của xung đột địa chính trị, chiến tranh Trung Đông…

“Về cơ bản, chúng ta có kế hoạch, phương án, cách thức xử lý…, vấn đề là sắp tới nhất quán thực hiện để sớm ổn định thị trường vàng”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên gia của BIDV đề xuất, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng bãi bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và xóa bỏ thế độc quyền của thương hiệu SJC, trong đó có thể lựa chọn 5-10 doanh nghiệp vàng lớn, có uy tín, có tiềm lực để tham gia sản xuất, nhập khẩu vàng miếng. Điều này cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) khi không còn khái niệm “Nhà nước độc quyền”.

“Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát và kiểm định chất lượng khắt khe với các thương hiệu vàng miếng khác”, ông Lực lưu ý.

Bên cạnh đó, để có thể giảm bớt chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, cần thực hiện các giải pháp tác động đến cả phía cung và cầu đối với vàng. Theo đó, nên thống nhất xác định vàng miếng là tài sản tài chính (theo kinh nghiệm của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan...) để có cách quản lý phù hợp, trong khi vàng mỹ nghệ - trang sức nên để thị trường điều tiết (coi như hàng hóa thông thường).

Cụ thể, về phía cung, Chính phủ cân nhắc nghiên cứu phương án đấu thầu, cho phép một số doanh nghiệp uy tín, có tiềm lực tài chính nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, vàng trang sức… nhằm tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Về phía cầu, nhu cầu vàng một phần đến từ nhu cầu đầu tư, tích trữ tài sản, thừa kế, trang sức… Do đó, để có thể phân tán bớt nhu cầu về vàng, cơ quan quản lý cần khuyến khích, tăng tính hấp dẫn của các loại tài sản trên các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản, khởi nghiệp...

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu, cân nhắc lộ trình thành lập cổng thông tin kết nối online giữa các doanh nghiệp này với Ngân hàng Nhà nước để thống kê số lượng các giao dịch liên quan đến vàng, từ đó tăng khả năng quản lý và về lâu dài có thể tiến hành các hoạt động thu thuế. Nếu có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về mức hợp lý thông qua nới lỏng hơn nguồn cung vàng nguyên liệu thì sẽ không còn tình trạng buôn lậu vàng, giúp giảm hiện tượng “chảy máu ngoại tệ”. Song song với đó, quy trình hữu hiệu để đánh giá tác động của thị trường vàng vào thị trường ngoại hối cũng cần được đồng thời xây dựng, qua đó giúp các cơ quan quản lý chủ động hơn trong việc ra các quyết định giúp ổn định kinh tế vĩ mô, giảm rủi ro trên thị trường tài chính - tiền tệ.

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đưa ra 3 kịch bản về vàng trong năm 2024: Thứ nhất, dù lạm phát hạ nhiệt nhưng vàng vẫn được ưa chuộng do giá trị USD suy yếu, lãi suất trái phiếu ổn định; thứ hai, suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng và vàng đạt được hiệu suất tốt nhờ vai trò bảo hiểm tài sản trong bối cảnh thị trường bất ổn; thứ ba, vàng phải đối mặt với khó khăn do ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ làm tăng chi phí cơ hội khi dự trữ vàng và theo đó, kim loại quý này sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2024.

Tin bài liên quan